Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, lối thoát cho DN thời khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, theo dự báo, bức tranh kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ không mấy sáng sủa hơn. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm tồn kho. Theo Bộ Công thương, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, đến thời điểm 1-6, lượng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 8,7%... Một số chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao đã làm cho sản xuất của doanh nghiệp không thể đầu tư thúc đẩy sản xuất, nền kinh tế cả nước chững lại một cách rõ rệt.
Sản phẩm Việt đang tăng độ phủ trong và ngoài nước
Trước tình trạng tồn kho với số lượng lớn sản phẩm, các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng giúp đỡ doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng hóa đến các chợ truyền thống, đưa hàng về nông thôn... Điển hình, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) đã triển khai chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống cho các doanh nghiệp. Theo đó, trong giai đoạn I của dự án Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống (triển khai từ đầu tháng 5-2012) đã thực hiện được tại 10 chợ tại các quận: Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 11, quận 8. Các doanh nghiệp tham gia dự án cho biết, chương trình hàng Việt về chợ giúp doanh nghiệp tăng đơn đặt hàng từ tiểu thương, tăng độ bao phủ tại chợ truyền thống và mức độ nhận biết sản phẩm của tiểu thương và người tiêu dùng cũng chuyển biến rõ rệt. Dự kiến, giai đoạn 2 của Dự án sẽ tiếp tục thực hiện tại 10 chợ thuộc các quận: 7, 8, Tân Bình với đa dạng ngành hàng, đồng thời Hội cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thuộc ngành hàng khó thâm nhập vào chợ như: may mặc, giày dép…
Tận dụng cơ hội để hàng Việt ra thị trường nước ngoài
Có thể nói rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp cảm thấy tầm quan trọng của thị trường tiêu thụ như hiện nay. Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu như trước đây doanh nghiệp Việt Nam lo lắng về chất lượng, an toàn vệ sinh của sản phẩm thì hiện nay doanh nghiệp lại phải lo về thị trường và kênh phân phối. Bởi nếu không có kênh phân phối thì sản lượng tiêu thụ sẽ giảm cho nên kênh phân phối là tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải tạo những thị trường và kênh phân phối vững chắc. Không chỉ mở rộng thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm và xâm nhập vào những thị trường mới khác trong khu vực. Ông Mười đã "bật mí” một số thị trường mới cho doanh nghiệp. Theo ông Mười, với 60 triệu dân thị trường Myanmar đang là thị trường màu mỡ cuối cùng của châu Á. Mặc dù, hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Myanmar không ít, nhưng người tiêu dùng Myanmar đang mất lòng tin ở sản phẩm của Trung Quốc cho nên đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường mới này. Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhận biết một điều, không phải Myanmar là thị trường mới nên chúng ta muốn bán gì thì bán. Doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo và tự tin với chất lượng sản phẩm không nên để thị trường Myanmar hụt hẫng ngay những ngày đầu khi mà sản phẩm Việt vào thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit nhận định: "Thu nhập của Trung Quốc gấp 8 lần Việt Nam vì vậy sức mua của thị trường này rất tiềm năng. Ngoài ra, gần đây người tiêu dùng Trung Quốc đang mất niềm tin với sản phẩm nội địa và đang hình thành xu hướng dùng hàng ngoại nhập. Cho nên, đây là cơ hội cho sản phẩm Việt Nam tràn vào thị trường Trung Quốc”. Dẫn chứng về cơ hội xâm nhập hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, ông Viên cho rằng, nhiều siêu thị ở Trung Quốc đã giảm giá 1.400 tệ xuống còn 500 tệ đối với mã vạch mới nhưng điều kiện phải là hàng Việt Nam. Trước những "điều kiện mở” của thị trường Trung Quốc, Hội DNHVNCLC dự tính sẽ có nhiều hoạt động nhắm đến thị trường Trung Quốc như tổ chức đoàn đi khảo sát thị trường, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với siêu thị, nhà phân phối, mở Trung tâm thương mại của hàng Việt tại thị trường này…