Du lịch nông thôn thúc đẩy phát triển nông thôn mới
Du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch nông thôn góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội thảo về Định hướng và Giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những nhận định sâu về vai trò của du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Toàn cảnh Hội thảo về Định hướng và Giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Thảo Thu |
Những năm qua, du lịch trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Nông thôn đóng vai trò là điểm đến, cung cấp cảnh quan sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống; bản sắc văn hóa, phong tục tập quán được truyền tải qua lời hát, điệu múa, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, đời sống hàng ngày của người dân nông thôn... là những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc tạo sự hấp dẫn và trở thành giá trị cốt lõi để xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ khách. Nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn và trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình như tour du lịch miệt vườn sông nước đồng bằng sông Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc…
Thông tin tại hội thảo cho biết, đến nay, trên cả nước có khoảng gần 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương như Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hoà Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã trở thành điểm đến có các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu.
Đối với ngành du lịch, du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam. Khu vực nông thôn với các giá trị truyền thống, sinh thái nông nghiệp là yếu tố cốt lõi để tạo ra sản phẩm mới đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Phát triển du lịch nông thôn trong mối liên kết với đô thị và các trung tâm gửi khách góp phần tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch.
Và ở chiều ngược lại, đối với ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn, phát triển du lịch nông thôn góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới ở nước ta đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân. Thông qua cung cấp dịch vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng lao động sản xuất” cho du khách, người dân địa phương đã có thu nhập và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Qua đó, góp phần tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, đem lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Du lịch tạo ra việc làm “tại chỗ” cho nhóm lao động nông thôn có khả năng khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi, người tàn tật yếu thế tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam....
Du lịch nông thôn phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường cảnh quan văn minh; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc nhằm tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch.
Du lịch nông thôn thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của ngành nông nghiệp thông qua tiêu dùng du lịch. Góp phần thúc đẩy sản xuất, duy trì ngành nghề truyền thống, bảo tồn các sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị, hỗ trợ duy trì đội nghũ nghệ nhân một số nghề truyền thống, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Phát triển du lịch nông thôn hướng tới mục đích đem lại giá trị gia tăng cho khu vực nông thôn, tăng thu nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, gắn sản xuất nông nghiệp truyền thống với du lịch, dịch vụ, góp phần thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM.
Theo Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch nông thôn phát triển đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững; xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển.
Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thảo Thu