Du lịch Lý Sơn: Cần những cú huých để bứt phá
Những năm gần đây du khách ra với đảo Lý Sơn ngày một tăng nhanh. Tuy nhiên, để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững và cất cánh thì phải cần có những cú huých đầu tư xứng tầm.
Những du khách lần đầu được đặt chân đến Lý Sơn sẽ vô cùng bất ngờ khi được tận mắt ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều di tích văn hóa, lịch sử không nơi nào có được. Những điểm đến khó có thể bỏ qua là 3 di tích quốc gia: Đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa), Âm Linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa) và Chùa Hang. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể ngắm tận mắt các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đã được tìm thấy trên đảo như suối Chình, xóm Ốc …
Còn nếu muốn ngắm toàn cảnh đảo lớn Lý Sơn, du khách nên đứng trên đỉnh núi Thới Lới, rồi thoải mái trải tầm mắt với ngút ngàn những cánh đồng hành và tỏi, sản phẩm thế mạnh của ngành nông nghiệp ở Lý Sơn. Đặc biệt, tỏi trồng tại đây nổi tiếng trong và ngoài nước vì có hương vị và đặc điểm đặc biệt, chẳng hạn như tỏi cô đơn – mỗi củ chỉ có 1 nhánh lớn, được dân gian lưu truyền là có tác dụng đặc biệt trong việc chữa bệnh... Chính sự đặc biệt này đã góp phần lớn tạo nên thương hiệu “vương quốc tỏi” cho Lý Sơn.
Những cánh đồng hành và tỏi - đặc sản Lý Sơn. |
Việc lưu trú tại Lý Sơn cũng có nhiều lựa chọn: có thể chọn nhà nghỉ hoặc khách sạn với giá từ 150 – 250.000 đồng/ngày, hoặc có thể lựa chọn ăn nghỉ tại nhà dân để trải nghiệm thực tế với cuộc sống huyện đảo với giá bình dân. Với kinh nghiệm vừa lần đầu trải nghiệm cuộc sống tại Lý Sơn, chị Nguyễn Thị Mai ở Hà Nội cho biết: “Phong cảnh thiên nhiên tại đây vô cùng tuyệt đẹp với bãi cát trắng mịn được bao bọc bởi những vách đá nham thạch kỳ vĩ. Người dân thì rất thân thiện, nhiệt tình. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu với mọi người và quay lại đây vào dịp gần nhất”.
Hướng tới mô hình một đảo du lịch trong tương lai, từ tháng 9/2014, Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm cung cấp điện lưới quốc gia. Ánh điện sáng trên huyện đảo đã tạo điều kiện để các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phát triển theo, góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo. Anh Nguyễn Văn Cảnh, một khách du lịch nói: “Lâu nay người ta cứ nghĩ Lý Sơn thiếu thốn rất nhiều thứ. Tuy nhiên đến nay, Lý Sơn đã có điện. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều thứ từ chỗ đi lại, dịch vụ sinh hoạt ăn ở, từ đó du khách có thể ở lại Lý Sơn nhiều ngày hơn”.
Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, vị trí địa lý đảo Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý nhưng giao thông vận tải đường biển cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách. Doanh thu vận chuyển hành khách và hàng hóa; phát triển du lịch; cho tới các hoạt động kinh tế chính của huyện như đánh bắt hải sản và trồng trọt (hành, tỏi, ngô) tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, cũng giống bất cứ huyện đảo nào, Lý Sơn là huyện có dân số đông nhất trong số 12 huyện đảo của cả nước (hơn 22.000 dân), do đó nhu cầu nước sinh hoạt ngày một khan hiếm. Ngoài ra, các điều kiện về hạ tầng giao thông, xử lý rác thải, hạ tầng du lịch... vẫn là những lịch vực cần sự đầu tư của Trung ương. Để du lịch Lý Sơn cất cánh, ngoài sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, Quảng Ngãi cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tìm hiểu và rót vốn mạnh vào khu vực. Hy vọng, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Lý Sơn sẽ trở thành thiên đường du lịch của Quảng Ngãi trong tương lai gần...