ĐSQ VN tại Hà Lan tổ chức Hội nghị bàn tròn về biến đổi khí hậu
Tới dự Hội nghị có đông đảo đại diện thuộc đoàn ngoại giao, Bộ, ngành Hà Lan, các Viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, nhiều học giả của Việt Nam, Hà Lan và quốc tế.
Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ chiến lược trong việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, bao gồm các vấn đề liên quan đến thiên tai và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia, cùng tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để khuyến nghị chính sách hiệu quả đệ trình lên Liên hợp quốc và Ủy ban Châu Âu.
Hội nghị bàn tròn có ý nghĩa và mang tính thời sự khi được tổ chức ngay sau khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc tại Ba Lan ngày 3/12 với sự tham gia của hơn 200 quốc gia.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: ĐSQ |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Thị Hòa hoan nghênh các khách mời đã đến tham dự Hội nghị, nhấn mạnh quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong chiến lược hành động chống biến đổi khí hậu.
Đồng chủ tọa của Hội nghị, ông Matt Luna và ông Wouter Veening, Chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh Môi trường Hà Lan cũng khẳng định Việt Nam nắm giữ vị trí địa - chính trị quan trọng trong chiến lược hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhân dịp này, đại diện phái đoàn liên Bộ của Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính) đã trình bày cụ thể về kế hoạch và chiến lược hợp tác của Việt Nam trong tương lai nhằm ứng phó biển đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, các diễn giả, học giả đến từ Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, Viện nước ĐH Delft, Đại học Wageningen đã đưa ra những chủ đề nóng liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý nước như hợp tác và đấu tranh trong lưu vực sông Mekong, tác động của biến đổi khí hậu đến các mùa thiên tai và an ninh lương thực, tác động và cách ứng phó với bão nhiệt đới, sóng thần.
Đại diện Trung tâm Thích ứng toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan chia sẻ một số thông tin về Chương trình nghị sự của LHQ về hợp tác chống biến đổi khí hậu năm 2019, khẳng định Hà Lan với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2018 đang tích cực đưa vấn đề khí hậu và an ninh vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh Thế giới và Liên hợp quốc đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải từng được thống nhất trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, Hội nghị bàn tròn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Đại sứ, đại diện các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu giống Việt Nam như Srilanka, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Kenya… mà còn của đại diện các nước lớn, phát triển và nổi bật trong phong trào chống biến đổi khí hậu như Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Đức, New Zealand, Mỹ…
Các đại biểu đã trao đổi thông tin và quan điểm đánh giá về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các mô hình, biện pháp, bài học cần rút ra để đảm bảo an ninh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm 2018 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hà Lan, đánh dấu chặng đường phát triển 45 năm kể từ ngày Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (9/4/1973- 9/4/2018). Nhìn lại chặng đường lịch sử, cả hai nước có thể tự hào về quá trình phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt này.
Quan hệ Việt Nam và Hà Lan được phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, văn hóa, giáo dục đến công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với những thách thức về biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai nước cũng là các quốc gia ven biển có vị trí chiến lược trong khu vực. Những điểm tương đồng đó đã đưa Việt Nam và Hà Lan đã trở thành đối tác và bạn bè một cách tự nhiên trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt Hà Lan đã trở thành đối tác chiến lược ngành đầu tiên của Việt Nam. Sự hợp tác này được khẳng định trong Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, được hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jan Peter Balkenendein ký kết vào tháng 10/2010.
Đối tác chiến lược Việt Nam – Hà Lan là một cơ chế hợp tác mới, bao trùm mọi hoạt động hợp tác hiện tại và hợp tác trong tương lai thuộc lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Quan hệ đối tác này làm gia tăng chiều sâu của quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan, nhằm mục đích phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi.
Hoạt động nổi bật nhất trong những năm đầu hợp tác giữa hai nước là việc hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Bản kế hoạch với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu có tính đến tất cả tình huống giả thuyết trên nền các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau, từ đó, xây dựng Chiến lược phát triển để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển và an toàn, dựa trên lợi thế tự nhiên của vùng.
Hiện nay, Hà Lan tiếp đang tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, các công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách như chống khô hạn, mặn xâm nhập, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển.