Đồng Tháp: Nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao.
Diện mạo mới
Tại Đồng Tháp, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác” được phát huy, diện mạo nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 97/115 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Đó là xã Tân Phước, xã Bình Phú - huyện Tân Hồng; xã An Phong, xã Tân Thạnh - huyện Thanh Bình; xã Phú Ninh - huyện Tam Nông và xã Định Hoà - huyện Lai Vung. Các xã đã công nhận đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt và hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao; phấn đấu có 17 xã đạt NTM nâng cao.
Đồng Tháp tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các mô hình phát triển kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn hơn 51 triệu đồng; giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 91%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 86%....
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm này chương trình xây dựng NTM của tỉnh cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thời gian qua, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết hợp tác hiệu quả như: mô hình giảm giá thành trong sản xuất, mô hình canh tác lúa lý tưởng, mô hình sản xuất hữu cơ… đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đổi mới tư duy, phương thức thực hiện, phát huy tính chủ thể của người dân chính là yếu tố tiên quyết, tạo đột phá trong quá trình thực hiện NTM.
Phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội đã đóng góp nhiều vật chất, công sức vào chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, chỉ riêng giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa hơn 450km đường giao thông nông thôn, gần 600 cây cầu; sửa chữa, xây mới hơn 3.300 căn nhà, thắp sáng hơn 200km đường quê, tham gia hơn 500.000 ngày công, hiến hơn 650.000m2 đất...
Phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Ảnh: Tiến Quang |
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như phong trào xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi xã nông thôn mới, cụm dân xanh - an toàn, biến bãi rác thành vườn hoa của Đoàn Thanh niên; “Nhà sạch, Đường sạch, Đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân tỉnh triển khai tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành; “Đoạn đường 3 sạch”, “Gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ tỉnh.
Cùng với các phong trào là những mô hình nổi bật như “Cây xoài nhà tôi”; “Ruộng nhà mình”, Mô hình sinh thái cam, quýt Bá Chuốt… Đặc biệt, mô hình Hội quán với hơn 4.000 thành viên là người dân tham gia đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Mô hình trở thành nền tảng để hình thành và phát triển các hợp tác xã mới. Đến nay đã thành lập 17 hợp tác xã trên cơ sở các hội quán, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.
Phát huy những kết quả đạt được, Đồng Tháp đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở cấp huyện, phấn đấu thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so với năm 2020.
Được biết mới đây, Đồng Tháp cũng đã ban hành Kế hoạch về việc duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Đồng thời sẽ bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông thôn. Khơi dậy phong trào thi đua xây dựng NTM từ gia đình đến xóm ấp, làng xã; phát triển các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Tiến Quang