Đồng Nai: Ưu tiên tập trung phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS ở Thống Nhất
Thi bắn nỏ, một trong hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi dịp lễ, Tết |
Ưu tiên phát triển kinh tế xã hội
Xác định vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn thể hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Trong 15 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và chương trình hành động của Tỉnh ủy Đồng Nai về công tác dân tộc.
Đảng bộ huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi, nhất là việc thực hiện chính sách gắn với đầu tư phát triển vùng dân tộc.
Bà Trần Thị Hồng Nga, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thống Nhất cho biết: Với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đến nay, đời sống kinh tế-xã hội vùng dân tộc trong huyện đã có những đổi thay tích cực. Ngoài Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ các chính sách đầu tư hỗ trợ giống, vốn, vật tư nông nghiệp, tập huấn khuyến nông nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bớt khó khăn.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Thống Nhất đã xuất hiện những nhân tố mới, nhiều mô hình mới, những cách làm hay, có hiệu quả để huyện nhân rộng trong thời gian tới.
Trên địa bàn huyện Thống Nhất có 20 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc chiếm 4,3%, trong đó phần lớn là các dân tộc: Nùng, Hoa, Chơro, Tày; ngoài ra còn có các dân tộc khác như: Dao, Ê Đê, Chăm, Khơme... Đồng bào dân tộc sống rải rác, xen kẽ với người Kinh, tập trung nhiều ở xã Lộ 25, Xuân Thiện, Bàu Hàm 2.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Gia Kiệm còn có 138 hộ đồng bào dân tộc Kh’mer chủ yếu từ tỉnh Cà Mau đến tạm trú để làm thuê cho các chủ hộ sản xuất nông nghiệp của xã.
Trên địa bàn huyện Thống Nhất có 20 dân tộc cùng sinh sống, chiếm 4,3%. (Ảnh minh họa) |
Thực hiện Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bằng các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đã đầu tư 1.330 triệu đồng xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, đường điện trung thế tại các xã Xuân Thiện, Xuân Thạnh, Hưng Lộc, Lộ 25.
Đến nay, huyện không còn xã khu vực II, 100% các đường huyện, trục xã, liên xã đã được nhựa hóa đảm bảo nhu cầu đi lại của bà con, trên 80% đường giao thông nông thôn các xã bê tông hóa, 99% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điện thắp sáng.
Thực hiện Chương trình số 134 của Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đời sống khó khăn và Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg; huyện đã hỗ trợ 301 bồn chứa nước, trị giá 155,5 triệu đồng; xây dựng 145 căn nhà tình thương trị giá 2,9 tỷ đồng, hỗ trợ 336 hộ không có đất sản xuất bằng đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ro, Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 2,4 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa dân tộc ChơRo (xã Xuân Thiện) và đưa vào sử dụng từ năm 2010, hiện nay là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro.
Bên cạnh đó huyện quan tâm đến phát huy vai trò của người uy tín trong công đồng dân tộc thiểu số, hiện nay trên địa bàn huyện có 15 người có uy tín, già làng, cộng tác viên nòng cốt trong đồng bào dân tộc thiểu số; đội ngũ này đã phát huy được vai trò nòng cốt là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc kịp thời phản ánh cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ tang theo phong tục truyền thống của dân tộc trên tinh thần lành mạnh, tiết kiệm.