Đồng Nai: Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định Quán vươn lên thoát nghèo
Trong đó có dân tộc Châu Ro, Châu Mạ là dân tộc bản địa lâu đời, đồng bào dân tộc người Hoa có số lượng đông nhất. Còn lại phần lớn các dân tộc là từ các địa phương khác đến lập nghiệp, đã tạo nên nét văn hóa đặc thù của huyện Định Quán.
Quan tâm phát triển đời sống kinh tế trong đồng bào dân tộc
Những năm qua, công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện. Sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Các giá trị văn hóa và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tình đoàn kết giữa các dân tộc được phát triển bền vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được ổn định.
Ông Chiếng Lỷ Cỏng (áo xanh, bên trái), dân tộc Hoa ở ấp 4, xã Phú Hòa cũng là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi tiêu biểu của địa phương nhờ các chương trình, chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. |
Từ hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của huyện cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các hộ dân tộc huyện giảm được 876 hộ nghèo, giúp cho tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới của huyện giảm còn 1,36%, giảm hơn 12 lần so với trước khi có chương trình nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số so với đời sống mặt bằng chung trên địa bàn huyện thì vẫn còn có những khó khăn nhất định. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Định Quán đã và đang nỗ lực thực hiện trong những năm tới.
Để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS thì yếu tố quan trọng đó là sự nhận thức nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các hộ dân tộc thông qua các mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả của một số hộ DTTS trong lao động sản xuất, kinh doanh hàng năm. Đây là những gương điển hình, đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Vươn lên làm giàu
Gia đình ông Mã Sùng Sắm đến ấp 2 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vừa phải lo cái ăn, cái mặc lại phải lo cho đàn con đang tuổi đi học được tới trường. Chính vì thế, hai vợ chồng ông Sắm đã không quản ngại khó khăn vất vả, làm thuê làm mướn để nuôi các con ăn học và chắt chiu tích lũy từng đồng vốn nhỏ để gây dựng cuộc sống.
Nhờ cần cù chịu khó, dần dần gia đình ông cũng mua được đám rẫy, cất nhà, làm vườn và cuộc sống cứ thế khởi sắc dần. Đến nay, các con ông đã khôn lớn, nên người, trong đó có 3 người con tốt nghiệp đại học. Vợ chồng ông cũng đã mua được 5 ha rẫy trồng tiêu và cà phê. Trong đó, toàn bộ diện tích được ông lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, với kinh phí gần 150 triệu đồng. Những năm trước, tiêu được mùa, trúng giá, trừ chi phí thu nhập từ vườn tiêu của gia đình ông lên tới gần một tỷ đồng.
Nói về bí quyết đi đến kết quả này, ông Mã Sùng Sắm mộc mạc chia sẻ: “Đã là nông dân là phải biết tự mình cần cù chịu khó làm lụng, để làm sao đạt được cái hiệu quả cao. Với lại bây giờ học theo kỹ thuật mới của nhà nước ra, cái gì không biết phải đi học hỏi. Vấn đề hệ thống tưới cũng vẫn phải đi học hỏi. Trước đây mình cũng cầm cái vòi đi tưới hàng ngày, nhưng tốn công lắm, tưới cả chục ngày chưa hết vườn, giờ thì khỏe rồi. Chỉ cần bật cái mô tơ, mở cái khóa nước là được”.
Ông Chiếng Lỷ Cỏng, dân tộc Hoa ở ấp 4, xã Phú Hòa cũng là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi tiêu biểu của địa phương nhờ các chương trình, chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Được hỗ trợ 10 triệu đồng vay vốn ban đầu và hướng dẫn KHKT trong sản xuất, chăn nuôi, đến nay ngoài vườn tiêu và điều, gia đình ông Cỏng còn có bầy dê với hơn 50 con, mỗi năm cho thu nhập trung bình gần 100 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông là trên 300 triệu đồng, đến từ 3 ha đất trồng cà phê, tiêu và chăn nuôi dê, gia đình.
Ông Cỏng cho biết:“Mấy năm đầu tiên chưa có học qua khóa thú y và chăn nuôi thì làm ăn bình thường, mà có khi thất thu. Bây giờ nhờ có học lớp kỹ thuật của nhà nước cho nên làm ăn cũng có tiến bộ, cũng khá. Mỗi năm thu nhập khoảng chừng 300 triệu”.
Bên cạnh lao động sản xuất giỏi, họ còn là tấm gương về sự gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động. 2 ông đã gương mẫu đi đầu trong việc vận động nhân dân trong khu dân cư tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.