Đồng bào thiểu số chung sức xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng giàu đẹp
Tiết mục văn nghệ chào mừng đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ III- năm 2019 |
Sáng 15/6, huyện Thạch Thất tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III - năm 2019, nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2019, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2024.
Là huyện nằm phía Tây thành phố Hà Nội, với 22 xã, 01 thị trấn; có địa hình đa dạng được chia thành 03 vùng rõ rệt, gồm: 12 xã thuộc vùng đồng bằng, 08 xã thuộc vùng đồi gò ven sông Tích và 03 xã miền núi.
Huyện có diện tích tự nhiên 18.744,18 ha, huyện có dân số 213.842 người, gồm 19 dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh 202.289 người (94,6%); các dân tộc thiểu số 11.553 người (5,4%) với 18 thành phần dân tộc: Mường, Tày, Thái, Nùng, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Xê đăng, M’Nông, Sán chỉ, Thổ, Hà Nhì, H’Mông, Hoa, Vân Kiều, Cơ tu, Gia rai, Khơ me.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thất lần thứ XXIII, Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ II; trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn ba xã miền núi tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể: Kinh tế đạt mức tăng trưởng 12,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu giá trị các ngành tiếp tục tăng trưởng theo hướng tích cực. Các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển.
Công tác giáo dục, văn hóa, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả; thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, văn minh; việc hỏa táng khi có người chết đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Năm 2018, tỷ lệ hỏa táng cho người chết tại xã Yên Bình đạt tỷ lệ 80%.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa đạt nhiều kết quả; đến cuối năm 2018, 03 xã miền núi có 29/35 thôn (83%) đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. 88,5% số hộ đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa…
An sinh xã hội được đảm bảo, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Phát huy những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm, giai đoạn 2019 - 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong đó, chú trọng thực hiện một số mục tiêu: tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của 3 xã miền núi đạt 13%; cơ cấu kinh tế đến năm 2024 (công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 40%; thương mại – dịch vụ 40%; nông nghiệp 20%); giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%; giải quyết việc làm cho 2.700 lao động, duy trì tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98,5%;
Huyện cũng đặt ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 2.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; phấn đấu một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 90%; tỷ lệ làng thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 85%,...
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự vào cuộc của các cấp ngành, đoàn thể đặc biệt sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong toàn huyện trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, mục tiêu mà Đảng bộ huyện đặt ra nhằm xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh chắc chắn sẽ đạt được trong tương lai không xa.