Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Ninh từng bước vươn lên thoát nghèo
Đời sống đồng bào dân tộc được nâng cao
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 21 dân tộc cùng sinh sống, phần lớn trong số này là đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm và Tà Mun. Là một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh giáp với các tỉnh của Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 220 km.
Với điều kiện tự nhiên, Tây Ninh thích hợp phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc. Bởi là địa phương giáp biên giới và có đông đảo đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Tây Ninh quan tâm thực hiện.
Chính sách ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được cụ thể hoá bằng Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt và Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh hỗ trợ các chính sách, mô hình sản xuất, chính quyền tỉnh Tây Ninh còn vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật. (Ảnh: Báo điện tử Tây Ninh) |
Việc triển khai hai chương trình này tại các huyện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá, điện… đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa phương vùng sâu vùng xa, giáp ranh với Vương quốc Campuchia.
Tại hội nghị giao ban công tác dân tộc nửa đầu năm 2018 các tỉnh khu vực Đông Nam bộ vừa qua, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao thì từ đó an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương cũng được giữ vững. Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho hay, Tây Ninh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều, hiện nay xuống còn 3,4%, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn dưới 2%.
Ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số
Trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 – 2020, có 5 tiêu chí để phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, đó là: Dân số; dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo; diện tích đất tự nhiên và đơn vị hành chính của các huyện, xã.
Tỉnh Tây Ninh hiện có 16 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại xã đặc biệt khó khăn. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo chương trình này bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Chính sách đầu tư theo Chương trình 135 cũng được áp dụng đối với người lao động thuộc hộ có mức sống trung bình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Lao động là người sau cai nghiện ma tuý, người nhiễm HIV/AIDS hoặc phụ nữ là nạn nhân của các vụ buôn bán người cũng được tham gia dự án hỗ trợ phát triển kinh tế.
Về quy định mức hỗ trợ dự án phát triển, sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Tây Ninh thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật.
Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020. Việc bố trí vốn phải được ưu tiên cho các vùng dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn. Trong quá trình xây dựng chính sách, tỉnh có tính đến tính đặc thù của từng địa phương, cụ thể hoá một số nội dung cho phù hợp thực tế.
Đối với quy định mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020, đối tượng được tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững có ba nhóm đối tượng khác nhau với mức hỗ trợ khác nhau.
Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng một hộ, những hộ nghèo khác được hỗ trợ không quá 13 triệu đồng một hộ. Còn hộ cận nghèo là lao động người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 11 triệu đồng một hộ, hộ mới thoát nghèo khác mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng một hộ.
Đối với hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 14 triệu đồng một hộ, hộ nghèo khác mức hỗ trợ không quá 12 triệu đồng một hộ. Đối với hộ cận nghèo là người lao động dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 12 triệu đồng một hộ; với hộ cận nghèo khác mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng một hộ.
Hộ mới thoát nghèo là lao động người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng một hộ, còn hộ mới thoát nghèo mức hỗ trợ không quá 8 triệu đồng một hộ. Nguồn vốn cho dự án được ngân sách trung ương bảo đảm phần lớn, còn lại là ngân sách của địa phương.