Vay tín dụng đen lãi suất lên đến 1.700%/năm
Tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân.
Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 02/12/2021, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) - Bộ Công an cho biết, tình trạng hoạt động của tín dụng đen hiện nay vẫn rất phức tạp, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tình trạng thất nghiệp của người lao động khiến nhu cầu vay tiền phục vụ tiêu dùng tăng cao. Ngoài ra còn một bộ phận người dân vay tín dụng đen phục vụ các mục đích bất hợp pháp như chơi cờ bạc, mua ma túy để sử dụng.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết: “Các đối tượng cho vay hoạt động ngày càng tinh vi như núp bóng doanh nghiệp, cho vay theo hình thức trực tuyến, cho vay qua các ứng dụng, hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (MXH) để cho vay. Để tiếp cận, lôi kéo những người có nhu cầu vay tiền bằng những thủ đoạn như: không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân. Thực tế người đi vay phải trả lãi suất rất cao so với quảng cáo dưới hình thức “tiền phí” hoặc tiền “phạt quá hạn”.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo. |
Trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay không rõ nguồn gốc và thường được thay đổi tên app nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt app và để lại thông tin cá nhân thì đã bị các đối tượng liên hệ chào mời vay tiền, cũng như cài các ứng dụng cho vay khác. Các ứng dụng này thường có khả năng truy cập thông tin cá nhân người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Người vay qua các app này thông thường chỉ vay vài triệu đồng ban đầu nhưng lại phải trả lãi suất rất cao, nếu chậm trả thì người đi vay bị các đối tượng cho vay xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên các trang mạng xã hội.
Theo thống kê của Cục CSHS, đến tháng 4/2021, cả nước có gần 27 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Chỉ tính từ đầu năm 2021, lực lượng Công an đã thu hồi 170 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự liên quan đến dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 vi phạm, 6.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 540 cơ sở kinh doanh tài chính với hơn 3.000 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi.
Riêng trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh về vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen; đã khởi tố 554 vụ với 990 đối tượng gồm các tội danh có liên quan như: Giết người, Cướp tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,…
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà thông tin thêm, Cục CSHS vừa triệt phá một nhóm cho vay nặng lãi gồm các đối tượng người Hải Phòng hoạt động tại TP.HCM với lãi suất cho vay cao nhất lên đến 1.700%/năm. Chỉ có một bị hại được xác định trong vụ án này nhưng bị hại đã vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng. Dù đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn bị xác định còn nợ khoảng 11 tỷ đồng tiền lãi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Đây cũng là điều kiện để tội phạm tín dụng đen diễn biến phức tạp.
Việc tín dụng đen len lỏi vào đời sống người dân xuất phát từ phía người dân khi đi vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) thường khó chứng minh được kế hoạch sử dụng vốn và khả năng trả nợ, quá trình thẩm định của các TCTD cũng gặp khó khăn do nguồn thông tin khách hàng cung cấp không đầy đủ, thiếu minh bạch, trong khi chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan như thuế, BHXH còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số khách hàng do thói quen tiêu dùng cấp bách nên thường tìm đến tín dụng đen, một số nhu cầu vốn bất hợp pháp như cờ bạc, ma túy,… đã tạo ra môi trường cho tín dụng đen hoạt động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
“Trong khi đó, cái khó của các TCTD là hoạt động cho vay vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, an toàn hệ thống, các thủ tục về vay nợ, xử lý nợ vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nói.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát các quy định về hoạt động cho vay, nhất là cho vay tiêu dùng. NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, phát triển các dịch vụ cho vay thanh toán trực tuyến gắn với việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
Triệt phá 2 nhóm tín dụng đen phá tài sản, tra tấn 'con nợ' ở Hà Tĩnh
Ngày 16/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố 2 vụ án cùng nhiều bị can liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Ngân Giang