Phú Thọ: Nước sông Đà cạn kỷ lục, ngậm ngùi nhìn chục tấn cá chết dần giữa nắng gắt
Nuôi cá trên sông Đà cả chục năm nay, chưa năm nào ông Thế lại phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng: những lồng nuôi phơi nắng trên sông Đà. Người nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc ngậm ngùi nhìn hàng chục tấn cá chết mà không thể cứu.
Mới hồi tháng 10, người dân nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) phải chịu thiệt hại nặng nề khi hàng chục tấn cá chết vì thủy điện xả lũ. Đến tháng 11 này, họ tiếp tục phải chứng kiến cảnh cá chết khi nước sông Đà cạn kỷ lục.
Nước sông cạn quá nhanh khiến các hộ dân nuôi cá lồng trên sông trở tay không kịp. |
Nuôi cá trên sông Đà cả chục năm nay, chưa năm nào ông Thiều Minh Thế (Hợp tác xã cá lồng huyện Thanh Thủy) lại phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng: những lồng nuôi phơi nắng trên sông Đà.
“Trước đây, mùa này nước có cạn nhưng chỉ một hai hôm là lại như thường, nhưng năm nay không ai nghĩ nước cạn lâu đến thế”, ông Thế buồn bã chia sẻ.
Ông Thiều Minh Thế (Hợp tác xã cá lồng huyện Thanh Thủy). |
Ông Thế và một số hộ dân không kịp trở tay khi nước cạn, cố gắng vớt vát những con cá to thương phẩm, còn hàng chục tấn cá giống đành phải bỏ đi. “Tất cả số cá giống đều chết cả”, ông Thế nói.
Nửa tháng nước cạn cũng là nửa tháng công việc nuôi cá lồng bị trì trệ. Ngay cả việc cho cá ăn cũng không thể. “Nước cạn thế này mà cho cá ăn, khi chúng quẫy làm cát vào mang thì còn chết nữa”, ông Thế cho biết.
Từ ngày nước cạn, mỗi ngày ông Thế và những người nuôi cá lồng ở Xuân Lộc vớt cả tạ cá chết, đa số là cá lăng nặng 2-4kg/con. Những con cá có biểu hiện sắp chết được người nuôi mổ tại lồng để bán, mong bớt đi phần nào thiệt hại.
Ông Thế và những người nuôi cá lồng ở Xuân Lộc cũng vớt cả tạ cá chết mỗi ngày. |
Cá chết đa số là cá lăng nặng 2-4kg/con. |
Đàn cá chết dần chết mòn trên dòng sông cạn nước khiến người nuôi vô cùng xót xa. |
Để hạn chế cá chết, người dân xã Xuân Lộc phải hút cát xung quanh khu vực lồng cá nhằm tạo độ nước sâu, đồng thời thực hiện các giải pháp tăng hàm lượng oxy.
Người dân hút nước từ ngoài sông vào lồng cá, hy vọng cá có thể tồn tại được. |
Ông Trần Xuân Hướng (ở khu 5, xã Xuân Lộc) cho biết, việc khu vực nuôi cá bị cạn nước ngoài lý do thủy điện tích nước, còn là vì những tàu hút cát ngày đêm hoạt động gần khu vực lồng cá. “Việc hút cát để lại những hố sâu, khiến nước phân bố không đồng đều”, ông Hướng nói.
"Với 10 lồng nuôi cá trắm, diêu hồng và cá lăng, tôi đã huy động nhân lực trong gia đình sử dụng máy hút cát để tạo độ sâu và máy bơm nước để tăng thêm oxy hỗ trợ cá. Tuy nhiên, hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về ít nên dòng chảy trên sông rất kém. Thêm vào đó, phía ngoài khu vực nuôi đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn", ông Hướng cho hay.
Những hộ dân nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc thiệt hại nặng nề vì cá chết hàng loạt. |
Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm cũng đành bất lực. |
Những lồng cá trơ trọi giữa nắng vì sông cạn re. Những tấm phao chổng ngược lên trời, khung cảnh ảm đạm, buồn bã. |
Đây là lần thứ 2 trong năm người dân xã Xuân Lộc phải chứng kiến cảnh cá chết mà không thể cứu vãn. |
Nửa tháng nước cạn, cũng là nửa tháng công việc nuôi cá lồng bị trì trệ. |
Ngay cả việc cho cá ăn cũng không thể. |
Nhiều lồng cá phơi nắng vì nước cạn |
Mỗi hộ dân có khoảng 4 tấn cá các loại bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. |
Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp với huyện và địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Đà. |
Toàn xã Xuân Lộc có hơn chục hộ nuôi cá lồng trên sông Đà với khoảng 171 lồng, chủ yếu các loại cá như: Lăng, Diêu Hồng, Trắm, Chép… |
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Thủy có tổng số 318 lồng nuôi. Tại xã Xuân Lộc có 171 lồng, hiện đã có 41 lồng đã bị mắc cạn hoàn toàn, khoảng 100 lồng có nguy cơ bị mắc cạn.
Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn vị trí nuôi an toàn, có mực nước ổn định để đảm bảo sản xuất, đặc biệt khi cá đạt kích cỡ xuất bán cần nhanh chóng liên hệ với các thương lái để xuất bán, tránh giữ cá, chờ giá cao. Bên cạnh đó, người dân lưu ý thay đổi cơ cấu giống, kích thước giống nuôi phù hợp, tăng cường sử dụng các loại giống có kích cỡ lớn và các loại giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian nuôi hoặc khi gặp sự cố bất thường có thể thu hoạch xuất bán luôn.
Chi cục Thủy sản cũng sẽ phối hợp với huyện và địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Đà, khuyến cáo người dân giảm quy mô nuôi cá lồng trên sông ở những vị trí đã có dấu hiệu bị bồi cát cục bộ để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Bảo Khánh