Nam sinh Bách Khoa trồng, bán 'nấm thức thần' đối mặt mức án tù 7-15 năm
Việc nam sinh viên ĐH Bách khoa trồng và bán nấm thức thần vừa bị Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang khi đang giao dịch đối mặt tội danh, mức án nào cho hành vi nguy hiểm của mình?
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Việt Quân, Đội phó Đội điều tra tội phạm ma túy Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) về tội "Buôn bán trái phép chất ma túy".
![]() |
Nguyễn Trần Tuấn Phong tại cơ quan công an (ảnh công an cung cấp). |
Thiếu tá Nguyễn Việt Quân cũng thông tin, ban đầu cơ quan công an đã khởi tố Phương với tội danh nêu trên. Trong quá trình điều tra, nếu có đủ chứng cứ, sẽ củng cố hồ sơ để khởi tố các tội danh tiếp theo.
Theo hồ sơ điều tra, chiều 7/6, Phương mang "nấm thức thần" đến giao cho khách trên đường Vũ Phạm Hàm (phường Yên Hòa) thì bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang. Sau đó, nam sinh viên này bị tạm giữ với hành vi "Sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma tuý".
Trước đó, vào năm 2018, Nguyễn Trần Tuấn Phương tìm "nấm ma túy" để sử dụng nhằm giải tỏa stress. Sau đó, nam sinh nảy ý định nuôi trồng loại nấm này để dùng và bán kiếm lời.
Hai tháng sau, Phương thu hoạch được 300 gram nấm tươi rồi sấy khô và cho ra gần 30 gram nấm chứa ma túy. Mỗi cây nấm thành phẩm có thể được cắt nhỏ để bán 500.000 đồng mỗi lát.
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, dưới góc độ pháp lý, hành vi của Phương có thể bị xử lý về “Tội mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Luật sư Cường phân tích: “Ba hành vi là Sản xuất, tàng trữ và mua bán “nấm thực thần” đều do một mình Phương thực hiện và nằm trong một quy trình thống nhất. Hành vi trước là tiền đề để hành vi sau được diễn ra và chúng có mối liên hệ nhân quả với nhau.
Sản xuất (trồng) với mục đích để bán, tàng trữ cũng với mục đích để bán. Do vậy không thể tách rời và xử lý độc lập các hành vi của Phương. Nhưng có thể nhận định trong trường hợp này, các hành vi sản xuất, tàng trữ của Phương đã bị quy về tội danh mua bán trái phép chất ma túy.
Mặt khác, theo mô tả của phần giả định của tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249 BLHS) thì một người bị coi là phạm tội này khi và chỉ khi có hành vi tàng trữ nhưng với điều kiện là không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy…".
Nói về khung hình phạt, luật sư Cường nêu quan điểm: “Để xác định chính xác khung hình phạt khác, điều khoản bị truy tố thì thời gian tới đây, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành hoạt động trưng cầu giám định nhằm xác định chính xác hàm lượng chất ma túy có trong tang vật bị thu giữ.
Tuy nhiên, với những thông tin ban đầu về trọng lượng “nấm thức thần” mà cơ quan công an thu giữ từ bị can thì khung hình phạt, điều khoản bị truy tố của Phương áp dụng theo khoản 2 của Điều 251 BLHS, phạt tù 7-15 năm".
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
Sông Yên