Chưa tăng lương cơ sở: Không vui nhưng sẽ 'thắt lưng, buộc bụng'
Chiều 19/6, Quốc hội đã chính thức “quyết” chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020. Điều này khiến không ít cán bộ hưu trí “không vui” nhưng sẽ cùng “thắt lưng, buộc bụng” với Nhà nước.
Việc chưa tăng lương cơ sở khiến nhiều cán bộ hưu trí "không vui". |
“Tôi là giáo viên về hưu đã gần 20 năm với số tiền lương hưu chưa đến 3.000.000 đồng. Chưa tăng lương cơ sở khiến đời sống đã khó khăn nay càng thêm chật vật…”, bà Nguyễn Thị Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ trước thông tin Quốc hội chính thức quyết chưa nâng lương cơ sở từ 1/7/2020.
Nếu không có các con, bà Thảo tâm sự bà khó có thể xoay sở được cuộc sống mỗi ngày. Bà bị tăng huyết áp, đái tháo đường. Ngoài thuốc bảo hiểm chi trả hàng tháng, bà phải mua thêm thuốc ngoài. Mỗi tháng chi 1,5 triệu đồng mua thuốc. Do nhiều bệnh mãn tính nên từ hai năm nay các con phải thuê thêm người giúp việc chăm sóc.
Bà bảo: “Cô cứ chia mà xem, 3 triệu tiền lương thì trung bình mỗi ngày tôi được tiêu 100.000 đồng. Số tiền ấy chỉ đủ chi những nhu cầu thiết yếu, lấy đâu tiền để mua thuốc hay thực phẩm bổ dưỡng bổ sung khác”.
Thừa nhận đón nhận tin này với tâm trạng “không vui” nhưng bà nhấn mạnh “phải đồng cam, cộng khổ với Nhà nước”.
“Nhìn nước ngoài thấy bao người chết vì dịch bệnh, sau đó là cướp bóc, là đập phá, là biểu tình, là hỗn loạn cũng chỉ vì dịch bệnh. Việt Nam không có ai chết vì căn bệnh này, những người già như chúng tôi – đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất cũng được bảo vệ an toàn. Vì khó khăn chung nên tôi vẫn bảo các con tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng” cùng chia sẻ với Nhà nước”, bà Thảo nói.
Ông Nguyễn Văn Dựng, cán bộ về hưu theo chế độ mất sức ở quận Ba Đình (Hà Nội) cũng cho biết việc chưa tăng lương cơ sở ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề chi tiêu hàng ngày của gia đình ông trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường đã và đang tăng lên.
"Giá như, Chính phủ cân nhắc tăng lương cho những đối tượng có cuộc sống thực sự khó khăn như chúng tôi: đối tượng hưu trí, mất sức lao động. Dù thêm 100.000- 200.000 đồng/tháng cũng có thể chi trả được tiền điện hoặc nước cho cá nhân trong tháng rồi.
Nhưng mà trong bối cảnh như hiện nay, Chính phủ đề xuất, Đảng, Quốc hội đã phê duyệt, là những người dân chúng tôi cũng đồng lòng. Mong rằng, thời gian phục hồi kinh tế nhanh, tháng 1/2021 chúng tôi sẽ được nâng lương thay vì đợi đến tháng 6”, ông Dựng bày tỏ quan điểm.
Trước đó, vào chiều 19/6, Quốc hội đã quyết định việc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Nghị quyết giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết chưa tăng lương, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải trình làm rõ thêm về vấn đề này. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị chưa tăng lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, song vẫn tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo lộ trình từ ngày 1/7.
Trong khi đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc tăng lương với người nghỉ hưu trước năm 1995 và người hưởng trợ cấp; đề nghị tăng lương từ ngày 31/12 hoặc trước ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa tăng lương cơ sở là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng của người dân chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
"Đây không thể là giải pháp căn cơ. Đa số người hưởng lương không hào hứng với giải pháp này, bởi trong điều kiện giá cả tăng cao thì việc chưa tăng lương là giảm giá trị của lương, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", bà Xuân nói.
Do đó, theo đại biểu Đắk Lắk, trong điều kiện hiện nay, giải pháp căn cơ nhất phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.
Huyền Anh