Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế: Xử lý nghiêm trách nhiệm chủ rừng để mất rừng
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo và yêu cầu các sở ban ngành, chủ rừng cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng sau khi Infonet có các bài viết phản ánh rừng già bị “lâm tặc” chặt phá.
Sau khi Infonet có các bài viết phản ánh về tình trạng “lâm tặc” chặt phá rừng thông ở địa phận xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), rừng cộng đồng ở khu vực xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) trong những ngày qua và trước nguy cơ tái diễn nạn phá rừng, ngày 26/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Ngọc Thọ ban hành Công văn số 3439/UBND-NN yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP Huế tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
“Lâm tặc” phá rừng ở vùng giáp ranh giữa Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và đặc biệt là trách nhiệm của chủ rừng, các đơn vị có liên quan thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, lấn chiếm rừng.
UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả hơn, thường xuyên tổ chức các đợt truy quét tại để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng chặt phá khai thác, mua bán, vận chuyển, lâm sản trái pháp luật.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thực hiện phương án bảo vệ rừng.
Các đơn vị chủ rừng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nếu để tái diễn xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng trong phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của mình nhưng không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời thì lãnh đạo đơn vị đó phải kiểm điểm, bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời ngăn chặn và bắt giữ xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo làm tốt công tác quản lý đất đai và hướng dẫn UBND cấp huyện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp thức hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Thừa Thiên Huế: Rừng cây cổ thụ trăm năm tuổi tan hoang vì 'lâm tặc', ai chịu trách nhiệm?
Không chỉ chặt phá hàng chục cây gỗ quý lâu năm mà “lâm tặc” còn tập kết gỗ đã cưa xẻ thành sản phẩm la liệt trong rừng sâu để vận chuyển ra ngoài nhưng các cơ quan quản lý không hề hay biết.
Hà Oai