Thừa Thiên Huế: Rừng cây cổ thụ trăm năm tuổi tan hoang vì 'lâm tặc', ai chịu trách nhiệm?
Không chỉ chặt phá hàng chục cây gỗ quý lâu năm mà “lâm tặc” còn tập kết gỗ đã cưa xẻ thành sản phẩm la liệt trong rừng sâu để vận chuyển ra ngoài nhưng các cơ quan quản lý không hề hay biết.
Rừng Tùng Ta Lăng trăm năm tuổi "chảy máu" cạn kiệt tài nguyên
Trong những ngày gần đây, tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) diễn biến phức tạp và khiến cho nhiều cây gỗ rừng quý hiếm lâu năm nằm trong rừng sâu đang bị chặt hạ không thương tiếc. Người dân mong chờ lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế vào cuộc kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để để rừng khỏi “chảy máu” cạn kiệt.
Khu rừng có nhiều loài gỗ quý hiếm đang bị “lâm tặc” chặt phá không thương tiếc. |
Những cây cổ thụ quý hiếm trăm năm tuổi như trường, sú, chủa… vẫn đang ngày đêm bị “lâm tặc” tàn phá hàng loạt không thương tiếc mà các cơ quan quản lý vẫn chưa có “thuốc đặc trị” để giải quyết vấn nạn.
Từ nguồn thông tin phản ánh của người dân xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), theo chỉ dẫn của người dân địa phương, đóng vai người đi tìm kiếm lan rừng, PV Infonet mới tiếp cận được hiện trường vụ chặt phá rừng hoạt động trong một thời gian dài, có quy mô và người canh gác ở cửa rừng.
Khoảng 7h ngày 21/4, đoàn chúng tôi bắt đầu đi bộ theo con đường mòn dọc khe suối Pa Ây (thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy) qua các cánh rừng sản xuất, nhà chòi ở tạm và các nương rẫy ngô rộng của người dân. Mất khoảng 4 giờ đồng hồ, hơn 10h cùng ngày mới đến được khu vực đang bị “lâm tặc” đốn hạ hàng loạt gỗ quý hiếm lâu năm.
Đến chân núi rừng bị “lâm tặc” chặt phá, PV bắt gặp một phách gỗ dài khoảng 3m và rộng khoảng 50cm đã được vận chuyển từ trên xuống, đến giữa sườn dốc núi lại phát hiện thêm các tấm gỗ xẻ mỏng rộng dài cùng 3 tấm gỗ cỡ lớn, càng đi lên vào sâu theo lối đường mòn càng phát hiện nhiều dấu vết kéo gỗ, vết dép… đi lại rất mới.
Tiếp cận gần đỉnh núi, PV đi về lối mòn bên trái được khoảng 600m thì bất ngờ trước những bãi tập kết gỗ của “lâm tặc” thuộc núi Tùng Ta Lăng (tên người dân thôn thôn Pa Ây hay gọi) với hàng loạt phách gỗ được sắp xếp lại gọn gàng và chờ vận chuyển đi ra.
Bên cạnh và xung quanh, “lâm tặc” đốn hạ nhiều cây gỗ với đường kính 0,5 – 2m nằm dài chưa cưa xẻ mà lá mới héo khô, thảm thực vật như dây leo, cỏ dại, cây gỗ nhỏ… bị đổ ngã hư hỏng la liệt theo trong một khoảng rộng, chỉ còn xót lại những ngọn cây to, bìa… và những khúc gỗ không có giá trị trong rừng.
Những tấm gỗ “lâm tặc” để trên đường đi, chuẩn bị đưa xuống chân núi. |
Một trong những bãi tập kết gỗ "vô chủ" trong rừng sâu. |
Tại hiện trường PV ghi nhận, “lâm tặc” chỉ cưa xẻ các cây gỗ đã hạ trước đây thành sản phẩm rồi vận chuyển đi ra và những cây mới hạ không cưa xẻ, chỉ để nằm dài dưới thảm thực vật.
“Họ chặt phá rất tinh vi, với chiêu thức đi hạ các cây gỗ có giá trị để lại trong rừng một thời gian, khi nào cây khô và hiện trường có cỏ dại mọc thì bắt đầu cưa xẻ rồi vận chuyển ra khỏi rừng trên con đường mòn dọc theo khe suối Pa Ây”, một người dân trú thôn Pa Ây tiết lộ.
Quay lại vị trí đường có ngã rẽ ban đầu gần đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục đi theo lối phía bên phải khoảng 300m thì cảnh tượng tan hoang tương tự hiển hiện trước mặt: những khúc gỗ nằm ngổn ngang với đường kính khoảng 2m, nhiều phách gỗ đã được cưa xẻ thành những tấm nhỏ dài, rất nhiều tấm gỗ lớn đã được vận chuyển ra khỏi rừng.
Cả mảng rừng rộng lớn chỉ còn lại những gốc cây lớn trơ trọi, mùn cưa, bìa… không có giá trị. Đi sâu thêm khoảng 100m, PV chứng kiến một cây gỗ to hai người ôm không hết và dài mới bị “lâm tặc” đốn hạ chưa bị cưa xẻ thành sản phẩm.
Cây gỗ to 2 người ôm không hết bị chặt hạ, chờ cơ hội thuận lợi để cưa xẻ. |
Rời khỏi khu vực rừng bị chặt phá tan hoang, gặp một cặp vợ chồng đang làm rẫy, PV dò hỏi, vợ chồng này tiết lộ: “Họ (lâm tặc – PV) ngang nhiên như chốn không người. Họ vào chặt phá rừng ban ngày, đến đêm thì dùng xe ô tô vận chuyển ra con đường độc đạo, sau đó qua cả đường trung tâm xã Hồng Thủy nhưng không bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Không hiểu vì sao mà vẫn trót lọt?!”.
Cơ quan chức năng có biết?
Tất cả những cây gỗ bị đốn hạ mà PV Infonet chứng kiến, ghi nhận đều chưa có dấu vết kiểm tra hay đánh dấu sơn của đơn vị quản lý rừng.
Liên quan đến việc rừng Tùng Ta Lăng bị chặt phá, ông A Kơ Tiến – Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy thông tin: Địa phương có hơn 870ha rừng giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng bảo vệ quản lý nhưng địa bàn rộng đi lại khó khăn nên rừng bị chặt phá là khó kiểm soát. Bởi “lâm tặc” từ nơi khác đến vào ở trong rừng, không đăng ký tạm trú và câu kết với người dân địa phương phá rừng.
“Chẳng hạn khi nghe tiếng cưa máy thì chúng tôi huy động lực lượng đi kiểm tra xử lý nhưng đến nơi thì họ chạy rồi vì có người báo trước” , ông A Kơ Tiến thông tin thêm.
Lá của các cây gỗ bị đốn hạ mới héo. |
Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên địa bàn xã Hồng Thủy xuất hiện tình trạng phá rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng II, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và lập biên bản kết quả làm việc.
Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện 27 cây gỗ có đường kính từ 40cm – 150cm bị chặt hạ có chọn lọc (cả mới và cũ) không có dấu vết kiểm tra của cơ quan chức năng, 23 lóng gỗ tròn (35,54m3) và 46 hộp gỗ xẻ (9,020m3) đã được cưa xẻ nằm trong rừng.
Đây là rừng được giao khoán cho nhóm hộ ông Hồ Văn Toàng (xã Hồng Thủy) quản lý bảo vệ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ giai đoạn 2015 – 2020.
Tuy nhiên, khu vực rừng bị chặt phá đã được giao cho tỉnh Quảng Trị quản lý theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; biên bản bàn giao, tiếp nhận hiện trạng đất đai, tài sản gắn liền với đất được lập ngày 24/3/2020.
Những khúc gỗ có giá trị được cất giữ cận thận trong rừng và chuẩn bị vận chuyển. |
Một khúc gỗ to “lâm tặc” chưa kịp cưa xẻ lấy hết. |
Khúc gỗ to nhưng bị hỏng ở giữa nên bị “lâm tặc” bỏ lại. |
Hà Oai