Độc đáo căn hầm ghép đá bí mật giữa rừng già
Trong một lần đi rừng, cựu binh Trần Xuân Thế (SN 1963, trú xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cùng một số người bất ngờ phát hiện căn hầm bí mật được ghép bằng đá rất độc đáo.
Tết Nhâm Dần 2022, chúng tôi tìm về xã làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) theo cuộc hẹn từ trước với cựu binh Trần Xuân Thế (SN 1963). Cách đây khoảng 25 năm về trước (năm 1997), ông Thế cùng một số người dân đi rừng hái măng, hái thuốc thì bất phát hiện căn hầm bí mật giữa khu rừng già mà ít ai biết đến.
Lối mòn trong rừng dẫn vào căn hầm bí mật.
Vừa ngồi nhâm nhi cốc nước, ông Thế chỉ tay về con đường đất đỏ phía trước rồi bắt đầu câu chuyện: "Để vào tận căn hầm phải đi xe máy khoảng 10km rồi phải cuốc bộ gần một giờ đồng hồ nữa mới đến''.
Qua lời kể của ông, chúng tôi rất nóng lòng tận mắt để được khám phá căn hầm. Đoàn chúng tôi chia nhau trên những chiếc xe máy hướng về rừng già phía trước.
Trên đường đi, chúng tôi chuẩn bị một ít lương khô, nhiều chai nước dự phòng. “Đây là căn hầm mà chúng ta muốn biết nhưng còn nhiều điều hấp dẫn và lạ lẫm đối với những người chưa một lần ghé nơi đây. Tôi cũng từng theo ông Thế vào đây quay về làm Youtube để muốn mọi người hiểu rõ hơn về căn hầm”, anh Cao Khắc Lý (SN 1991), người dân bản địa đi cùng tôi giải thích.
Con đường lổm ngổm đất đá, có những đoạn, tiếng xe máy phải gầm rú vượt dốc, chúng tôi phải luôn ghì chặt để vượt qua. Sau gần một giờ đồng hồ vất vả, cả nhóm cũng đã đặt chân đến đầu khu vực rừng bãi 500, thuộc xã Nghĩa Mai (giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa). Xe máy để bên bìa rừng, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ dọc con đường mòn trong khu rừng. Không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng tiếng chim kêu, rồi tiếng những con thú vọng ra từ thung lũng.
Sau quãng đường vượt bộ, chúng tôi ngồi nghỉ bên một dốc cao để tranh thủ uống ngụm nước rồi lấy sức đi tiếp. Chỉ tay về phía trước, ông Thế bảo: “Cố lên các chú, căn hầm ở phía trước rồi”.
Tuy mọi người rất mệt nhưng khi được nhắc tới căn hầm thì ai nấy phấn chấn hơn, muốn tiến thật nhanh để khám phá.
Không gian tĩnh mịch bị phá vỡ bởi âm thanh từ chiếc rựa phát cây rừng trên tay của người dẫn đường đi trước. Dừng lại tại cụm trúc án ngữ ngay ở bờ suối, ông Thế bảo: “Chúng ta đến nơi rồi các chú”.
Khẽ quan sát thật kỹ nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy gì đặc biệt ngoài tiếng suối chảy róc rách. Ông Thế giải thích: “Vì lâu ngày không có bóng người nên cửa căn hầm được bịt kín bởi lá khô”. Rồi ông từ từ dọn những chiếc lá khô, rướn mình lật phiến đá che cửa hầm có chiều dài 40x60 sang một bên. Cửa căn hầm hiện ra, đúng lúc này đàn dơi trú ngụ bên trong phóng ra như cung tên đập vào người làm chúng tôi giật mình.
Căn hầm nằm sát bên bờ suối, được bao bọc bởi lá, cây rừng và phiến đá dài 40x60cm.
Trấn an mọi người, ông Thế từ từ cầm chiếc đèn pin hai chân nhẹ nhàng cho vào trước rồi quay người lại để vào bên trong. “Các chú yên tâm, trong hầm chỉ có dơi trú ngụ thôi chứ không có gì nguy hiểm cả. Tôi đã nhiều lần vào đây nên đã hiểu rõ”, ông Thế nói.
Căn hầm nằm ngay bên bờ suối, cây cối rất rậm rạp. Sau một hồi, đoàn chúng tôi 5 người từ từ “bò” vào cửa hang để vào bên trong và phải dùng đèn pin để soi sáng. Qua quan sát, căn hầm hình tròn có chiều cao khoảng 2,5 mét, đường kính khoảng 3,5 mét và có độ dày khoảng 20cm. Với diện tích này, một Tiểu đội khoảng 30 người có thể trú ngụ và sinh hoạt được.
Cửa hầm chỉ vừa một người chui vào.
Căn hầm hình tròn có chiều cao khoảng 2,5 mét, đường kính khoảng 3,5 mét. |
Điều đặc biệt, căn hầm này ẩn trong lòng đất, được ghép bởi loại đá bàn (loại đá ở khe suối), trộn với đất nung. Cứ sau mỗi viên đá to lại kèm theo những viên đá nhỏ với mục đích tăng độ liên kết. Cả căn hầm được làm rất đẹp, vòng tròn bức tường đá được xếp một cách thứ tự nhìn lên phía trên như một bông hoa sen đang nở rộ, phía dưới nền đất phẳng lỳ.
Phía bên trong, có 3 bếp nhỏ được thiết kế xung quanh tường có đường dẫn lên để thoát khói như căn bếp Hoàng Cầm thu nhỏ và có một đường nhỏ để thông không khí. Theo như giải thích của ông Thế, trước đây, bộ đội của ta không ngẫu nhiên mà làm như thế này, mà đây là cách để trốn địch thả bom ngay giữa rừng già. Các căn bếp vẫn còn dấu tích của vết lọ được đun bằng dầu hỏa.
Phía trên hầm được ghép bằng đá bàn rất độc đáo.
Bên trong có 3 bếp nhỏ có đường dẫn lên, và có một đường nhỏ để thông khí.
Ông Thế nhớ lại: “Lúc phát hiện cửa hang, chúng tôi không ai dám vào, nhưng sau khi lấy hết can đảm, tôi và anh em làm ‘liều’ để bước vào trong. Cả căn hầm tối mịt chỉ có đàn dơi trú ngụ bay tung tóe. Nhiều bát sắt B52 (dùng để ăn cơm) và một số đồ dùng khác vẫn nguyên vẹn nằm cạnh bếp”.
Sau khoảng 30 phút khám phá bên trong nhưng chúng tôi có cảm giác rất an toàn và thích thú. Hiện, phía trên chỗ cửa hầm đã có một lỗ nhỏ bị hỏng, xung quanh màng nhện giăng kín nên từ phía trong có thể nhìn được ánh sáng bên ngoài. Những vật dụng không còn vì người đi rừng đã đặt chân vào đây và có thể đã lấy đi. Trải qua năm tháng, với sự bào mòn của thời tiết nhưng căn hầm vẫn đang gần như nguyên vẹn.
Trải qua hàng chục năm, phía trên căn hầm đã thủng một lỗ nhỏ, màng nhện giăng kín.
Theo một số cụ cao niên ở địa phương cho biết, vào thời điểm 1972 - 1973, giặc Mỹ ném bom ở đây rất ác liệt. Lúc ấy tại xã Nghĩa Mai còn có xưởng đại tu, chuyên làm máy mở đường 15 chiến lược nên chúng muốn tàn phá nơi này. Để tránh khỏi thương vong, tại khu vực bãi 500, bộ đội của ta đã tạo nên nhiều hầm để trú ngụ. Không chỉ nơi đây mà tại rừng già này còn có nhiều căn hầm bí mật nhưng chưa ai phát hiện được.
“Trên địa bàn duy nhất có căn hầm này được người dân phát hiện vào năm 1997. Trải qua thời gian dài nhưng căn hầm này vẫn đang nguyên vẹn. Mặc dù hầm nằm giữa rừng già nhưng chúng tôi đã tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ, đồng thời khuyến khích quảng bá trên các kênh để mọi người biết nhiều hơn”, ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn) cho biết.
Việt Hòa