Chính quyền và người dân Đắk Lắk 'tiếp sức' cho hàng ngàn người về quê
Những ngày qua, chính quyền và các tổ chức, cá nhân tại Đắk Lắk đã không quản ngày đêm, nỗ lực huy động nhu yếu phẩm, đồ ăn, nước uống “tiếp sức” cho hàng chục ngàn lượt người qua địa bàn trong hành trình về quê nhà.
Cơm, nước, xăng… “tiếp sức” dòng người về quê
Đến hôm nay (6/10), đã có khoảng 14.000 người là công dân của tỉnh Đắk Lắk từ các tỉnh phía Nam trở về nơi cư trú. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn công dân của các tỉnh khác trên đường về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cùng nhiều tổ chức, hội nhóm và người dân đã tích cực hỗ trợ những đoàn người của tỉnh khác trên đường về quê, đi qua địa bàn.
Theo ghi nhận của PV, từ đầu cầu 14 (giáp tỉnh Đắk Nông) đến cầu 110 (giáp tỉnh Gia Lai), nhiều tổ chức, người dân đã túc trực dọc đường, để sẵn đồ ăn nhanh, cơm, nước uống, xăng… sẵn sàng hỗ trợ đoàn người về quê.
Người dân túc trực dọc đường, chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống và cả xăng để hỗ trợ những người đi xe máy về quê qua đị bàn tỉnh Đắk Lắk. |
Ngoài các chốt kiểm soát dịch, nhiều huyện như Krông Búk, Ea H’leo cũng lập các điểm để tặng nhu yếu phẩm, đồ ăn, “tiếp sức” cho bà con về quê.
Theo anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Krông Búk, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 huyện, từ ngày 4/10 đến nay, nhiều đơn vị như Công an, Huyện đoàn và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã cùng thực hiện chương trình “tiếp sức đường dài, hỗ trợ bà con về quê”.
Mỗi ngày, lực lượng của huyện Krông Búk bắt đầu triển khai hỗ trợ từ 5h30 đến 23h, tặng hàng ngàn phần quà gồm cả xăng, cơm, sữa, bánh mì, nước lọc, khẩu trang… cho những người hồi hương qua địa bàn huyện Krông Búk. “Hộ nào đặc biệt khó khăn, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho bà con một ít tiền. Dù vật chất có hạn, nhưng chúng tôi sẽ ở đây hết mình hỗ trợ, tiếp sức cho bà con trên hành trình về quê”, anh Cường chia sẻ.
Các lực lượng của huyện Krông Búk chuẩn bị nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con về quê bằng xe máy. |
Tại TP Buôn Ma Thuột, những ngày qua UBND phường Thống Nhất cũng triển khai bếp cơm xã hội, tổ chức nấu khoảng 200-300 suất cơm/ngày để tặng cho người dân các tỉnh ở phía Nam về quê. Nơi nấu cơm là một căn phòng nhỏ ngay tại trụ sở của UBND phường Thống Nhất. “Đầu bếp” của bếp cơm xã hội đều là cán bộ, viên chức và các cô, bác sinh sống trên địa bàn phường này.
Theo bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, trước mắt, mỗi ngày phường sẽ nấu khoảng 200-300 suất cơm và vận động thêm nước uống, nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ, tiếp sức cho bà con về quê. Sau này, phường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng của phường để triển khai, điều chỉnh cho phù hợp.
Hàng ngàn người đi bộ được trung chuyển bằng ô tô
Ngoài những người về quê bằng xe máy còn có hàng ngàn người quyết tâm về quê bằng cách… đi bộ. Đa số những người này đều là đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La…Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người thất nghiệp, đành rời Bình Dương trở về quê theo hướng quốc lộ 14 và được lực lượng chức năng các tỉnh khác như Bình Phước, Đắk Nông dùng xe trung chuyển chở về Đắk Lắk.
Sau khi tiếp nhận những đoàn người đi bộ từ tỉnh Đắk Nông trung chuyển qua, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục bố trí, trung chuyển họ đến địa phận Gia Lai…
Những người đi bộ về quê được tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và cho lên xe để trung chuyển qua tỉnh Gia Lai. |
Anh Lý A Sinh (quê Lai Châu) cho biết, gần 3 tháng qua, anh mất việc làm ở Bình Dương, lâm vào cảnh hết tiền nên rất khó khăn. Thấy nhiều người đi bộ về quê, anh Sinh cũng vội gói gém hành lý đi theo khoảng 2km thì được xe đón, trung chuyển liên tiếp qua 3 chuyến mới có mặt tại Đắk Lắk.
Tương tự, chị Sùng Thị Tung (quê Hà Giang) cho biết, do dịch Covid-19, vợ chồng chị thất nghiệp, không còn tiền để bám trụ tại Bình Dương nên đành dắt 2 con nhỏ (6 và 4 tuổi) đi bộ về quê và được xe đón, trung chuyển về Đắk Lắk.
“Ở lại khổ quá chúng tôi không cố gắng được nữa. Cũng may, đi vài km thì chúng tôi được xe đón, được hỗ trợ thức ăn, nước uống nếu không sẽ rất khổ dọc đường”, chị Tung chia sẻ.
Đắk Lắk đã tiếp nhận, trung chuyển khoảng 2.000 người đi bộ về quê. |
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, dù lượng người từ các tỉnh phía Nam về quê, lưu thông qua địa bàn Đắk Lắk rất lớn nhưng chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân vẫn huy động, nỗ lực để hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiếp sức cho bà con đầy đủ mọi thứ.
“Xăng, cơm nước, đồ ăn nhanh… chúng tôi có cả. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ, tiếp sức cho những bà con về quê đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu tình hình lượng người về quê quá lớn và kéo dài, chúng tôi cũng lo các nguồn lực sẽ cạn kiệt”, ông Thuân nói.
Cũng theo ông Thuân, từ ngày 2/10 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận, hỗ trợ và dùng xe trung chuyển khoảng 2.000 người (chủ yếu là công dân của các tỉnh phía Bắc) không có phương tiện về quê đến địa phận tỉnh Gia Lai để bà con tiếp tục hành trình về quê.
Trần Nhân