Ra đường, va quệt nhỏ cũng sẵn sàng túm tóc, tung chưởng "chiến" nhau
Chỉ một va quệt nhỏ trên đường phố, hỗn chiến như phim hành động dễ dàng xảy ra. Không chỉ thanh niên, mà ngay cả những người có học thức cũng sẵn sàng “túm tóc" nhau khi va chạm giao thông.
Sẵn sàng túm tóc, tung chưởng "chiến" nhau chỉ vì va quệt nhỏ, mâu thuẫn khi đi đường. |
Đụng nhau là… "chiến"
Vụ việc tài xế xe bán tải hành hung người đi đường đến mức gãy răng ngay giữa ngã tư đông đúc, ùn tắc hàng dài chỉ do bị nhắc nhở vì dừng xe quá lâu xảy ra tối 31/12/2020 là câu chuyện khiến dư luận bất bình. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vụ việc đáng buồn sau khi xảy ra va chạm giao thông.
Trước đó, vào tháng 4/2020, tại Bình Dương, mặc dù chỉ xảy ra vụ va chạm rất nhẹ, nhưng hai bên bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra cãi vã, đánh nhau dẫn đến án mạng đau lòng.
Cắt nghĩa tình trạng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Xét cho cùng, đây đúng là văn hóa giao thông; tuy nhiên, bất kỳ hiện tượng gì cũng có nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan.
“Loại bỏ những yếu tố chủ quan, chúng ta thấy có khá nhiều lý do, mà nếu có thể cải thiện, sẽ giúp chúng ta tránh được những hiện tượng tiêu cực trên.
Thứ nhất, do hiểu biết của người tham gia giao thông về luật giao thông chưa đầy đủ nên hễ xảy ra va chạm, nhiều người đã không biết lỗi của mình dẫn đến việc tranh cãi giành phần đúng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, các quy định giao thông có thể có những điều không bao quát hết được thực tiễn cuộc sống nên có những trường hợp không biết cách xử lý ra sao. Không phân xử được thì dẫn đến cãi vã.
Thứ ba, cũng là vì thói quen tồn tại đã lâu của người tham gia giao thông, bất luận đúng sai, việc đầu tiên là xem xe mình có sao không, người mình có vấn đề gì không, cứ cãi nhau trước đã. Nhiều khi, do chưa kịp có sự can thiệp của cảnh sát giao thông, ai cãi to hơn, nhiều lý lẽ hơn, thậm chí bạo lực hơn là người đó thắng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Theo ông, để giải quyết tình trạng này, trước hết bản thân mỗi người cần nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông. "Rõ ràng, việc học luật giao thông của chúng ta chưa thực sự tốt, công tác truyên truyền về giao thông chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến nhiều người chưa hiểu rõ về luật và các quy định trong khi tham gia giao thông", Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá.
Vượt đèn đỏ, chèn ép lấn làn, tạt đầu gây ức chế trên đường phố Hà Nội
Những thói quen xấu của rất nhiều người đi đường gây ức chế cho những người tuân thủ đúng luật. Bất chấp cả sự ứng trực của CSGT, nếu không thấy bắt phạt là lập tức hỗn loạn mạnh ai nấy chen lấn, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Văn hoá giao thông phải được thực thi từ chính người quản lý
Không đồng tình với quan điểm này, trao đổi với phóng viên Infonet, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông cho rằng: “Nói cần phải giáo dục văn hóa giao thông hơi nặng quá”.
Theo ông Thủy, mấu chốt của vấn đề ở đây là hạ tầng không tốt nên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm – là điều kiện nảy sinh những xung đột. Hệ luỵ là tình trạng người tham gia lấn đường, trèo lên vỉa hè…
“Nếu đường thông hè thoáng, nếu ngã tư thông thoáng, nếu cửa ngõ vào nội đô thông thoáng thì làm gì có ùn tắc, nếu có cũng ít thôi. Được như vậy, sẽ không có chuyện tranh cãi, không có tranh chấp, chen lấn…”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu quan điểm.
Ông Thuỷ cho rằng, văn hoá giao thông yếu kém không chỉ “đổ tất cả tội cho người dân tham gia giao thông” mà cần phải xem xét đến cả cơ quan chức năng - người xây dựng hạ tầng, quản lý hạ tầng, người điều hành tổ chức giao thông, kể cả anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường.
“Những người lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ cũng cần có văn hoá giao thông. Ví dụ nếu người lãnh đạo có văn hoá tốt thì sẽ xây dựng đường tốt; nếu đường, xe công cộng hỏng hóc phải ngày đêm lo sửa chữa… Do đó, đội ngũ những người xây dựng, quản lý hệ thống giao thông phải có văn hóa, phải có tri thức, có tầm nhìn chiến lược, có chính sách, biện pháp tốt thì văn hóa giao thông mới tốt lên được. Văn hoá giao thông phải được thực thi ở chính những người xây dựng, quản lý hệ thống giao thông trước, sau đó mới đến người dân”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
Sợ hãi muốn rụng tim vì "đặc sản" tạt đầu, võng vỉa của xe ôm công nghệ ở Hà Nội
Lấn làn, tạt đầu xe ô tô với tốc độ “bàn thờ” là cảm nhận của tôi về nhiều lái xe công nghệ ở Thủ đô sau hơn 4 tháng sinh sống ở đây.
Cần học tính kiên nhẫn, rộng lòng và chịu đựng
Dẫu vậy, qua thực tế, ông Thuỷ cũng khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông nên chú ý nhường nhịn. Bởi vì đã là giao thông đô thị thì nước nào cũng đông đúc, cũng ùn tắc chứ không phải chỉ riêng có ở nước ta hay riêng Hà Nội. Vì thế, người tham gia giao thông nên học tính kiên nhẫn, rộng lòng và chịu đựng.
Đồng tình với quan điểm này, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) từng trả lời trên Infonet rằng: Khi tham gia giao thông, mọi người có thể có những phút nóng nảy, không kiềm chế được bản thân. Va chạm giao thông và tai nạn giao thông là những điều không ai mong muốn. Vì vậy, va chạm hoặc tai nạn đã xảy ra rồi thì người trong cuộc cần hết sức bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân, từ đó cùng nhau khắc phục sự cố. Điều này một mặt thể hiện sự thượng tôn pháp luật, mặt khác là thể hiện văn hóa trong tham gia giao thông.
N. Huyền