Khi đi sai luật, hỗn loạn trời mưa, giờ cao điểm thành chuyện bình thường
Nếu hiểu văn hóa giao thông là thói quen tham gia giao thông, có rất nhiều điều đáng bàn về những thói quen này của người dân Hà Nội.
Vượt đèn đỏ, chèn ép lấn làn, tạt đầu gây ức chế trên đường phố Hà Nội
Những thói quen xấu của rất nhiều người đi đường gây ức chế cho những người tuân thủ đúng luật. Bất chấp cả sự ứng trực của CSGT, nếu không thấy bắt phạt là lập tức hỗn loạn mạnh ai nấy chen lấn, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Hỗn loạn vì cảnh “điền vào chỗ trống”
Thói xấu đáng lên án nhất trong tham gia giao thông ở Hà Nội là không tuân thủ các quy định về giao thông.
Thực ra, các quy định giao thông ở nước ta khá rõ ràng, nếu tuân thủ đúng sẽ giúp tình hình giao thông quy củ và tốt hơn.
Thế nhưng, cái dễ nhìn thấy nhất là sự hỗn loạn, nhất là vào giờ cao điểm. Ai cũng thấy vào những thời điểm đó, các phương tiện giao thông không đi theo hàng lối nào.
Ô tô chen kín lòng đường, mọi làn đường. Xe máy, xe đạp điện trèo lên vỉa hè, phần đường dành cho người đi bộ và len lỏi giữa các khe trống san sát ô tô.
Hầu như tất cả mọi người trên đường đều tranh thủ tận dụng mọi khoảng trống để chen vào, chen chúc nghẹt thở theo kiểu “điền vào chỗ trống”.
Thậm chí có những đoạn đường 2 chiều bỗng dưng trở thành đường 1 chiều không còn một kẽ hở, các phương tiện xếp hàng "đối đầu" nhau không lối thoát.
Tình trạng hỗn loạn vào giờ cao điểm cũng là nguyên nhân dễ xảy ra va chạm. Sau va chạm thường là cãi vã, tranh phần thắng thua thậm chí hành hung đối phương đổ máu.
Ô tô ken kín mọi làn đường, xe máy chen vào giữa các khe hở do ô tô để lại, giao thông không hàng lối ở cầu vượt Ngã Tư Sở trong giờ cao điểm. (Ảnh: Anh Hùng) |
Đèn giao thông, vạch kẻ đường để... trang trí
Góp phần trong mớ hỗn loạn ấy còn là tình trạng vượt đèn đỏ.
Còn gần chục giây mới tới đèn xanh, người đi xe máy đã vội nhấn ga vượt qua. Người dừng phía trước chưa đi thì bị người sau bấm còi inh ỏi giục đi. Đèn tín hiệu đã chuyển vàng, cả ô tô lẫn xe máy cũng vội vàng vượt. Vượt đèn đỏ phổ biến đến mức có người bạn nước ngoài của tôi nhận xét rằng, đèn giao thông ở Hà Nội chỉ mang tính chất... trang trí.
Làn ô tô, xe máy hay thậm chí xe buýt BRT được vạch rõ ràng nhưng nhiều người không quan tâm. Tình trạng vi phạm nhiều đến mức không thể xử phạt hết dẫn đến chuyện người vi phạm coi đó là chuyện bình thường. Họ ngang nhiên đi sai mà coi như đó là đúng.
Họ chỉ chú ý hơn, tuân thủ tốt hơn khi nhìn thấy có cảnh sát đang hiện diện gần đó.
Tôi đã đến một số nước, ngoài đường rất ít thấy hình ảnh cảnh sát giao thông thường trực ở các ngã tư hay cả điểm giao thông quan trọng.
Ý thức tuân thủ giao thông cũng chính là cái thiếu lớn nhất khi chúng ta so sánh với các nước khác.
Đi bộ sang đường là "thử thách cân não" với người nước ngoài
Phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn... tưởng là “đặc sản” người điều khiển ô tô, xe máy thì ngay cả người đi bộ ở Hà Nội cũng đang đi lại rất tuỳ tiện, họ sang đường bất cứ chỗ nào, không hề để ý đến đường hay cầu vượt dành riêng cho người đi bộ.
Họ chậm rãi qua đường, để mặc những người tham gia giao thông khác tránh. Thậm chí có những người bất chấp trèo qua dải phân cách cao quá thắt lưng để sang đường.
Chính vì thế, nhiều người nước ngoài không dám qua đường ở Việt Nam. Có người còn cho rằng, qua đường Hà Nội là một thử thách cân não hoặc trải nghiệm khó quên đối với rất nhiều du khách nước ngoài.
Phải thay đổi
Những tồn tại này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân đầu tiên chính là nhận thức của người tham gia giao thông chưa đầy đủ. Người dân có thể chưa hiểu hết về luật và các quy định giao thông nên bản thân họ cũng không biết là mình đang vi phạm.
Thứ hai là có thể người tham gia giao thông hiểu luật giao thông và cả những mức phạt, nhưng điều kiện thực tế và việc mọi người cùng vi phạm khiến cho việc vi phạm luật giao thông lại trở thành chuyện bình thường.
Tâm lý khi nhiều người cùng sai thì một cái sai lại không trở thành sai nữa.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đầy đủ, không phù hợp khiến cho người dân vi phạm để đi lại thuận tiện hơn cho cá nhân mình, còn mặc kệ người khác.
Với một đô thị hiện đại, văn hóa giao thông này cần phải thay đổi.
Nhiều người chỉ ước văn hóa giao thông Hà Nội được như Thành phố Hồ Chí Minh là đã tốt lắm rồi, dù rằng ngay cả văn hóa giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều điều cần thay đổi.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam