‘Đội quân ma’ khiến Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban
Nguyên nhân khiến chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng trước Taliban được cho xuất phát từ "đội quân ma" và nạn tham nhũng trong giới quan chức.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan nhấn mạnh, “đội quân ma” và các quan chức chính phủ tham nhũng là nguyên nhân khiến Taliban nhanh chóng chiếm được quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ trước khi tiến vào thủ đô Kabul, giữa lúc các lực lượng NATO rút quân khỏi quốc gia Nam Á.
RT đưa tin, hôm 10/11, ông Khalid Payenda, người giữ chức Bộ trưởng Tài chính Afghanistan trước thời điểm Taliban nắm quyền kiểm soát, cho hay khoảng 300.000 binh sĩ và sĩ quan cảnh sát nằm trong danh sách tuyển dụng của chính phủ Afghanistan, nhưng thực tế là không tồn tại.
Lính đặc nhiệm Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
Theo ông Payenda, “đội quân ma” được ghi tên trong sổ sách của các quan tham ở Afghanistan nhằm bỏ túi riêng khoản tiền lương trả cho binh sĩ.
“Họ là những người đã đào ngũ và tử trận, nhưng các tướng chỉ huy không bao giờ báo cáo mà vẫn giữ thẻ ngân hàng của họ để lấy tiền”, ông Payenda cho biết.
Cũng theo ông Payenda, chính tình trạng này khiến Taliban có cơ hội nhanh chóng chiếm lấy toàn lãnh thổ Afghanistan vào thời điểm Mỹ và các lực lượng đồng minh NATO đang rút quân để kết thúc 20 năm tham chiến ở quốc gia Nam Á.
Ông Payenda cho rằng, số liệu mà quan chức các tỉnh báo cáo đã bị thổi phồng gấp 6 lần so với số lượng binh sĩ thực tế mà chính phủ Afghanistan nắm trong tay.
Trước đây, Mỹ từng bày tỏ mối quan ngại về con số thực binh sĩ và cảnh sát ở Afghanistan. Bản báo cáo Tổng Thanh tra Đặc biệt của Mỹ vào năm 2016 có ghi, “Cả Mỹ và các đồng minh của Afghanistan đều không biết thực tế Afghanistan có bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát”.
Ngoài “đội quân ma”, ông Payenda cho hay các quan chức quân đội Afghanistan còn chơi trò “ hai mang”, nghĩa là vừa nhận lương của chính phủ Afghanistan, vừa nhận tiền của Taliban để đầu hàng vô điều kiện.
Tuy nhiên, ông Payenda vẫn bênh vực chính phủ cũ của Afghanistan và cựu Tổng thống Ashraf Ghani. Ông Payenda phủ nhận không có chuyện các quan chức hàng đầu trong chính phủ Afghanistan “tham nhũng tài chính” và cho rằng lỗi thuộc về các quan chức cấp tỉnh.
Trước đây, đại sứ quán Nga tại Kabul là nơi đầu tiên báo cáo cựu Tổng thống Ghani rời khỏi Afghanistan với 4 chiếc xe ô tô và 1 trực thăng chở đầy tiền. Thậm chí, phát biểu với RIA Novosti, phát ngôn viên đại sứ quán Nga Nikita Ishchenko cho hay một số túi đựng tiền của Tổng thống Ghani đã bị bỏ lại ở sân bay do máy bay không thể chở hết được. Ngoài ra, đại sứ quán Afghanistan ở Tajikistan còn yêu cầu bắt giữ ông Ghani trước cáo buộc ông này đã đánh cắp 169 triệu USD của quốc gia.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt hạn chót rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày 31/8, chấm dứt 20 năm tham chiến ở quốc gia Nam Á. Cuộc chiến ở Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 240.000 người.
Việc Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan khiến các quan chức thế giới vô cùng ngạc nhiên, bởi Mỹ và NATO đã mất 20 năm tham chiến và hỗ trợ huấn luyện cũng như đầu tư tiền bạc và cung cấp vũ khí cho quân đội chính quy Afghanistan.
Tổng thống Biden thừa nhận chính ông cũng bị ngạc nhiên về tốc độ nhanh chóng sụp đổ của chính phủ Afghanistan. Ông Biden khẳng định, các lực lượng quốc tế đã trao cho chính phủ Afghanistan “mọi cơ hội” để tự quyết định tương lai đất nước.
Bé trai Afghanistan được lính Mỹ bế hộ vào sân bay Kabul vẫn mất tích gần 3 tháng
Bé trai 2 tháng tuổi từng được lính Mỹ hỗ trợ bế vào trong Sân bay Kabul để đi sơ tán vẫn mất tích suốt 3 tháng qua, dù gia đình nỗ lực tìm kiếm.
Minh Thu (lược dịch)