Độc đáo bức tường nghệ thuật được làm từ phế liệu ở Hà Nội
Người dân làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã dày công thu gom chai, lọ, đồ phế thải bỏ đi để trang trí thành "con đường gốm sứ đặc biệt".
Mảnh vỡ phế liệu từ chai lọ, bát đĩa hay là rác thải bỏ đi bằng gốm sứ, đó là các nguyên liệu chính để những người dân ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) dùng để làm nên các bức tường nghệ thuật này.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Hiên (ở ngõ 7 tổ dân phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc) - một trong 3 người đầu tiên của nhóm thực hiện con đường) cho biết, dự án này đã được chị ấp ủ từ lâu, nhưng tới khoảng giữa tháng 10/2020 thì nhóm mới bắt đầu làm những mảng tường đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Hiên - một trong 3 người đầu tiên của nhóm thực hiện những bức tranh tường từ phế thải. |
Lúc mới bắt đầu làm, nhiều người vẫn không tin tưởng dự án sẽ thành công. Thế nhưng, với tất cả tâm huyết, chị và hai người bạn vẫn bắt tay vào làm những bức tranh đầu tiên.
“Dù rất nhiều người cho rằng, đó chỉ là một ý tưởng “trên mây”, sẽ không bao giờ thực hiện được, nghe những câu nói đó cũng có đôi phần ấm ức, tủi thân nhưng vẫn quyết tâm làm. Sau một thời gian tự phác hoạ, trộn vôi vữa, cầm dao xây, chúng tôi đã thành công với bức tranh đầu tiên là 'làng Liên Mạc'”, chị Hiên chia sẻ.
Những bức tranh làm bằng phế liệu mang thông điệp bảo vệ môi trường. |
Thế nhưng, sau bức tranh đầu tiên, nhóm đã nhận được những sự ủng hộ, giúp đỡ, gom góp các phế phẩm để tạo nên con đường này.
“Tuy bức tranh chưa được đẹp lắm nhưng đã có sự hưởng ứng từ một vài người. Đó là thành công bức đầu rồi. Sau đó, ngày càng nhiều người thu gom phế liệu ra ủng hộ chúng tôi, có người chỉ góp vài viên gạch, người miết mạch vữa, người lau tường... Thậm chí, có người vừa đi chợ về đã bắt tay vào làm", chị Hiên kể với cảm xúc vui mừng.
Hình ảnh đồng quê, làng xóm quen thuộc hiện lên qua các tác phẩm làm từ các mảnh vỏ chai, gạch ngói vỡ. |
Sau bức tranh đầu tiên, nhóm lại rút ra được những kinh nghiệm để tạo nên những bức tranh đẹp hơn. “Sau mỗi bức tranh, chúng tôi càng rút ra nhiều kinh nghiệm. Nếu là người biết thưởng thức nghệ thuật, chắc chắn sẽ nhận ra khi càng đi sâu vào trong, các bức tranh sẽ càng đẹp.
Sau khi hoàn thành vào trước Tết, có một số người cũng nhận xét rằng, những bức tranh này không đẹp như 'con đường gốm sứ' nhưng tôi không hề thấy buồn, bởi quy mô 2 dự án hoàn toàn khác nhau. So sánh với dự án "Con đường gốm sứ" của TP Hà Nội thì thật khập khiễng", chị Hiên kể.
Những vỏ chai nhựa, lọ hoa, gạch vỡ... được ghép thành những bức tranh rất bắt mắt. |
Khi được hỏi về ý nghĩa của con đường này, chị Hiên chia sẻ, chị muốn khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường của người dân bằng cách tái chế rác thải. "Khi chúng tôi đi tập thể dục quanh làng thì thấy trong mỗi gia đình rất nhiều rác. Có những thứ khi mang đi vứt vào thùng rác khiến người thu gom rác cũng cảm thấy khó chịu. Vốn làm con dâu trong một gia đình nghệ thuật, trong đầu tôi lúc này đặt ra câu hỏi, tại sao không biến những thứ này thành một bức hoạ trên tường".
"Nhiều lần, tôi ngồi tại cái đống rác rồi cứ mân mê rác để nghĩ xem viên gạch này, cái chai này mình sẽ vẽ như nào. Thế rồi, cả 3 người trong nhóm đã vạch ra kế hoạch, mỗi người một việc", chị Hiên nói tiếp.
Sau khi nhóm của chị hiên làm thành công, nhiều nhà trong xóm cũng đã bắt tay vào việc trang trí nhà mình. |
Từng theo học ngành xây dựng và có 6 năm kinh nghiệm trong việc vẽ tranh, thiết kế tiểu cảnh cho các quán cà phê, ông Nguyễn Danh Hảo (47 tuổi) tự tay trang trí hai bên cổng nhà với hình ảnh hoa sen, cây tre và cầu Long Biên. Ông Hảo cho hay, trong 4 ngày thực hiện tác phẩm, ông dùng mảnh vỡ của hai bình gốm màu da lươn để tạo điểm nhấn lên tranh.
Những tấm hình giản đơn nhưng sống động, làm nổi bật cả con đường làng. |
Ông Nguyễn Văn Thọ (56 tuổi) chia sẻ: ““Ban đầu tôi chỉ muốn trang trí xung quanh nhà nhưng chị Hiên tới đề xuất với tôi ý tưởng gắn các mảnh phế thải lên tường, tôi đồng ý làm và tham gia với nhóm. Một mình tôi trang trí bức tường nhà mất khoảng 2 tháng rưỡi”.
Con ngõ dài khoảng hơn 200 mét được trang trí bằng những bức tranh với chất liệu là phế thải. |
Chai lọ, bát hương vỡ, mảnh sành và gạch ốp lát... đều trở thành chất liệu để làm nên những bức tranh này. Tất cả do người dân gom góp. |
Những đoạn chưa làm đến, người dân thay bằng những bức phù điêu. |
Mỗi người lạ đi qua đều được ngắm nhìn những bức hoạ nghệ thuật. |
Mỗi bức tranh được tạo nên từ các chất liệu phế phẩm khác nhau, mang ý nghĩa, thông điệp riêng, không chỉ góp phần làm đẹp con đường làng, mà còn kêu gọi bảo vệ môi trường, giảm rác thải của từng hộ dân. |
Bảo Khánh