Doanh nhân, trí thức dân tộc thiểu số là cầu nối thông tin xóa đói giảm nghèo
Phát biểu tại buổi Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số được tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự đóng góp của nhóm này.
Trong đó, đặc biệt, nhóm người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số là cầu nối thông tin quan trọng kết nối đồng bào dân tộc với các ban, ngành, đoàn thể, là cơ sở để thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Tương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các điển hình tiên tiến. (Ảnh: VGP) |
Đội ngũ nhân sĩ trí thức đã và đang có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tiên phong trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ góp phần tích cực với nhiệm vụ nâng cao dân trí, giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, lễ hội truyền thống và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ doanh nghiệp có mặt trong mọi mặt của đời sống, tạo công ăn việc làm và chăm lo trực tiếp cho đời sống của người lao động, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chính các doanh nghiệp do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ giúp sức xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tham gia tích cực vào các hoạt động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng cho rằng đóng góp của người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực, đời sống văn hoá đã được nâng cao một bước, văn hoá truyền thống được tôn trọng và bảo tồn, phát huy.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Sự góp sức của nhóm này cũng góp phần rút ngắn trình độ phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào các dân tộc có nhiều cố gắng, vươn lên. Nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên vùng đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương, vùng miền chưa được khai thác, phát huy đúng mức.
Hoạt động văn hóa, trình độ dân trí còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa cao, hệ thống y tế còn bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năng lực trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu. Nhiều vấn đề bức xúc trong đồng bào còn chậm được giải quyết. Các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả, an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.
Thông qua lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn các đại biểu tiêu biểu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước. Phó Thủ tướng mong muốn các nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc thiểu số với tốc độ cao hơn bình quân chung cả nước. Cùng với đó là phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh và bền vững, ưu tiên giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Sự đóng góp này sẽ giúp sức cho việc từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hoá, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Nhóm uy tín cao, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số là cầu nối thông tin giúp đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, phát triển các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông-lâm- ngư nghiệp; gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, khuyến khích đồng bào tự tin khởi nghiệp...
Đặc biệt, với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chú trọng xây dựng các trường dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học, dạy nghề cho con em đồng bào, nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc cũng được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.