Doanh nghiệp xã hội không dễ xin vốn tài trợ
Mô hình DN xã hội cần phát triển mạnh tại Việt Nam để hỗ trợ người nghèo |
Tại hội nghị Diễn đàn đầu tư xã hội Việt Nam 2014 lần thứ 2 tổ chức tại TP.HCM ngày 4/12, cho thấy mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
Để phát triển mô hình DN xã hội thì DN phải đưa ra được phương án kinh doanh với mục tiêu vì cộng đồng đặt trên lợi nhuận. Nếu mô hình thực sự hiệu quả sẽ nhận được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, ông Brook Taylor, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho biết.
Ở Mỹ thì những nhà đầu tư đổ tiền vào DN xã hội sẽ không phải đóng thuế, bà Dana Doan- tư vấn chiến lược của Trung tâm phát triển cộng đồng LIN cho biết.
Còn đối với Việt Nam mô hình DN xã hội vẫn còn khá mới mẻ. Theo ông Trần Đình Thiên, Giám đốc Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta là nước nghèo nên những đối tượng cần được hỗ trợ về việc làm rất lớn như người nghèo, người khuyết tật, thương bệnh binh… Dù Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình nhưng các nguồn tài trợ lại giảm đi, nên nhu cầu của xã hội đối với mô hình DN xã hội là rất lớn.
Việt Nam cũng chưa có cơ chế đặc thù nào để khuyến khích DN xã hội phát triển, chưa có quỹ nào đầu tư vào DN xã hội, vì ngay như Thái Lan đã dành 3% từ quỹ thuốc lá để đầu tư vào DN xã hội.
Do vậy, vấn đề đặt ra là DN xã hội phải biết chứng minh cho Nhà nước nhận thức đầy đủ đây là lực lượng xã hội cực tốt của Việt Nam thì Chính phủ sẽ tạo ra những định hướng hỗ trợ cho DN này phát triển.
Ông Bùi Việt Hà, một DN xã hội hoạt động về giáo dục, cho biết việc tiếp cận các quỹ đầu tư xã hội rất khó khăn. Do DN chưa đủ tốt để đáp ứng các yêu cầu về báo cáo tài chính và không thể chứng minh được tác động xã hội do DN tạo ra. “Tôi cho rằng phải có phương pháp đo mới thay cho việc định tính và định lượng của đầu tư xã hội dựa quá nhiều vào kết quả tài chính”, ông Hà bày tỏ.
Còn bà Taila Mueller, Giám đốc chương trình Shjog ACTS, cho rằng DN xã hội để nhận được vốn đầu tư từ các nhà tài trợ thì họ có mô hình đủ mạnh để thu hút đầu tư. Thêm nữa, DN xã hội bước đầu phải tự trang trải cho việc thực hiện mô hình của mình. Mức độ tài trợ phụ thuộc vào hiệu quả của dự án tác động đến xã hội đâu sẽ nhận được tài trợ vốn đến đó.