Doanh nghiệp quân đội tạo việc làm cho 180.000 lao động
Cảng Cát Lái (TP.HCM) - một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong phát triển kinh tế và đảm bảo hậu cần cho Quân chủng hải quân. |
Các doanh nghiệp quân đội phát triển vượt bậc
Theo đó Bộ Quốc phòng cho biết, thực hiện việc sắp xếp, đổi mới theo chỉ dạo của Quân ủy Trung ương, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã giảm từ 305 (năm 2000) xuống còn 88 vào năm 2016.
Theo dự kiến đến năm 2020 sẽ chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ngoài ra còn có 12 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 51% cổ phần (đây là những doanh nghiệp có thể chuyển ngay sang phục vụ cho quốc phòng khi chiến tranh xảy ra).
Theo Bộ Quốc phòng, thời gian gần đây các doanh nghiệp quân đội có bước phát triển vượt bậc, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của kinh tế quốc dân, góp phầm đảm bảo an ninh quốc phòng tại các vị trí chiến lược, trọng yếu.
Theo thống kê, trong năm 2016 các doanh nghiệp quân đội đã đạt doanh thu gần 350 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 43 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 40 ngàn tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hơn 181 ngàn lao động với thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu các doanh nghiệp ước đạt 189 ngàn tỷ đồng (đạt 51% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 22 ngàn tỷ đồng (đạt 52% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước trên 21 ngàn tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch), tổng số lao động tăng lên 185 ngàn người với mức thu nhập bình quân được giữ nguyên.
Ngoài đóng góp chung cho Bộ Quốc phòng thì các doanh nghiệp đã trực tiếp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tham gia vào các chương trình an sinh xã hội như: Xây dựng, tặng 1.065 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; phụng dưỡng 463 Mẹ Việt Nam anh hùng; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nhiều doanh nghiệp quân đội đã tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Chỉ thị 97 của Bộ Quốc phòng về việc tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con em thương, bệnh binh nặng. Trong 3 năm từ 2011 – 2013 đã tiếp nhận và giải quyết cho 126 cháu là con thương binh, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm. Điều này thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tri ân người có công với cách mạng.
Bộ Quốc phòng cũng nêu ra những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong công tác này như Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2011 Tập đoàn Viettel đã đóng góp vào các chương trình hoạt động chính sách, dân vận, từ thiện, tri ân cộng đồng hơn 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” (giai đoạn 2014 – 2016) đã hỗ trợ, trao tặng 24 ngàn con bò giống (tương đương 368 tỷ đồng) cho đồng bào 11 tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngoài ra Tập đoàn đã phối hợp với các bệnh viện tim mạch tổ chức 16 đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho 16.000 trẻ em vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 2.735 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc tim bẩm sinh nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã nhận phụng dưỡng suốt đời 326 Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ; xây dựng 755 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Tổng kinh phí thực hiện công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa của công ty đến nay là 681 tỷ đồng.
Lợi thế của quân đội là kỷ luật người lính
Chia sẻ về hoạt động của các doanh nghiệp quân đội vào ngày 13/7, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng – Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp quân đội hoạt động đúng theo các quy định pháp luật, chịu sự kiểm tra giám sát đầy đủ của các cơ quan chức năng.
Ông cũng thông tin rằng đề án sắp xếp các doanh nghiệp quân đội được các bộ ngành đánh giá rất tốt. Ông khẳng định ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quân đội sẽ thực hiện nghiêm đề án này và công bố công khai để người dân được biết.
Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Trần Hoài Trung – Cục trưởng Cục tuyên huấn cho rằng, lợi thế của quân đội nếu có thì đó là sự chỉ đạo thống nhất, đó là trách nhiệm của người lính đối với quân đội, với quốc gia, đó là kỷ luật người lính, tinh thần người lính.
Trong khi đó, đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp quân đội, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị - Bộ Quốc phòng nhận định rằng dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng có thể thấy rằng những công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua đều có dấu ấn của các doanh nghiệp quân đội.