Doanh nghiệp phải nâng cao ý thức an toàn vệ sinh lao động
Thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền về nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đã được các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tập trung thực hiện. Các doanh nghiệp đã từng bước quan tâm bố trí kinh phí tương xứng với công tác bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong năm 2016 toàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ tai nạn lao động (tăng 3 vụ so với năm 2015), trong đó có 1 vụ tai nạn nặng làm chết 1 người.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; trang thiết bị làm việc không đảm bảo an toàn lao động; chủ doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc việc huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định; người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; người lao động không tuân thủ quy trình biện pháp làm việc an toàn đã được xây dựng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn chưa kịp thời.
Theo ông Tô Đình Sử, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp - Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, kết quả kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại 50 doanh nghiệp trong năm 2017 cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp thường mắc một số lỗi như: ít tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, ít triển khai đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ; doanh nghiệp thường nhầm lẫn quan trắc môi trường và đo kiểm môi trường lao động là một hoạt động; đa số chưa xây dựng kế hoạch huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hằng năm theo quy định; chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ người lao động.
Một số doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chưa thực sự thấy rõ ích lợi, tầm quan trọng để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động. Thậm chí, có doanh nghiệp thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động kiểu đối phó. Tuy có trang thiết bị nhưng doanh nghiệp không tập huấn, không phân công người thực hiện hoặc không giao trách nhiệm cụ thể, khiến công tác này bị bỏ lửng.
Về phía người lao động, nhận thức về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của môi trường làm việc tồi còn nhiều hạn chế. Do chạy theo năng suất và ý thức kém về vệ sinh lao động, nên nhiều người đã vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện bảo vệ cá nhân trong các điều kiện làm việc cần phải bảo hộ. Mặt khác, người sử dụng lao động cũng chưa nghiêm khắc bắt buộc người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Theo ông Sử, có rất nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động trong doanh nghiệp. Đầu tiên là cần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động.
Người sử dụng lao động cần được đào tạo qua các khóa huấn luyện (ngắn ngày hoặc dài ngày) để hiểu các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động; tổ chức được bộ phận chuyên làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Hàng năm phải tổ chức huấn luyện sát hạch định kỳ các đối tượng công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động và người lao động khác. Các máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất đều phải có quy định hướng dẫn sử dụng, bảo quản và người vận hành phải được huấn luyện sát hạch đạt yêu cầu trước khi sử dụng.
Cần xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống tai nạn lao động, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người lao động tuân thủ tất cả các quy định về an toàn vệ sinh lao động, sử dụng các dụng cụ, phương tiện về bảo hộ lao động để bảo vệ an toàn cho chính họ, sau đó là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, không chỉ xử phạt mà còn có trách nhiệm nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.