Doanh nghiệp nhỏ bàn giải pháp vượt khó
Doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó trong quý IV và năm 2013 - Ảnh Duy Nguyên |
Hôm qua (18/10), Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM tại buổi tọa đàm “Doanh nhân – Quản lý Nhà nước – Nhà khoa học: Giải pháp vượt qua khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Theo ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, doanh nghiệp cần có những giải pháp cho hiện tại. Một là kiểm soát lại tất cả các hoạt động của doanh nghiệp để cắt giảm những chi phí không cần thiết. Hai là bắt buộc phải cải tiến lại kỹ thuật sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giảm giá thành để bán được hàng hóa, tăng doanh thu bù giá thành rẻ.
“Điều quan trọng nhất là, doanh nghiệp phải tìm ra những thị phần phù hợp với dòng sản phẩm của mình. Theo tôi thấy, trong các ngành khó khăn vẫn có nhiều doanh nghiệp rất tốt. Chẳng hạn như tôn, thép, giày da, may mặc, nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển tốt thời gian vừa qua. Bởi họ tìm đúng thị trường cốt lõi, đúng mục đích kinh doanh của họ”, ông Dũng nói.
Để giải quyết vấn đề khó khăn nhất là vốn vay, ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu vay bằng tiền đồng Việt Nam thì lãi suất từ 12 – 15%, nhưng số doanh nghiệp vay được 12% là rất ít. Các doanh nghiệp nên chuyển sang vay bằng tiền đô, nhận nợ bằng tiền đồng với mức vay 7,5%, như vậy sẽ giảm được 6 – 7 % lãi suất. Ngoài ra, nếu vay xuất khẩu bằng tiền đô, lãi suất còn giảm thêm 4 – 3,5% do đây là nhóm ngành ưu tiên”.
Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Công thương TP.HCM cho rằng, ngoài vấn đề vốn, cái lớn nhất là giải quyết vấn đề hàng tồn kho. Nhất là tồn kho về nhà ở thì cần phải xem lại.
“Thực tế, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã định hướng thị trường sai, xây dựng chung cư, xây nhà quá cao cấp trong khi kinh tế khó khăn, dân đang nghèo thì làm sao đủ tiền mua nhà đó”, ông Lộc nhận định.
Doanh nghiệp bất động sản cần định hướng lại thị trường - Ảnh IT |
Tiêu chuẩn chung cư phải đạt 60m2 là không hợp lý trong khi hiện nay, phầnv đông công nhân, người làm thuê ở nhà chật chừng khoảng 10m2. “Sao không mở rộng xây dựng những chung cư có diện tích nhỏ hơn, không cần gạch lát nền loại “xịn”, loại thường thôi để rồi bán giá thấp cho người có thu nhập thấp. Tôi biết ở nước ngoài có loại nhà chừng 20 – 30m2”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, hiện tại, nhà thu nhập thấp có xây nhưng không tới tay người dân. Doanh nghiệp vẫn cứ mãi chạy theo các hạng mục cao cấp.
Nhiều doanh nghiệp tại buổi tọa đàm phản ánh rằng, lãi suất ngân hàng hiện tại vẫn ở mức cao, có nơi 19 – 21%. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn đều không có tài sản thế chấp và không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn.
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh, công ty CP Tin học Lạc Việt cho rằng, công nghệ thông tin đang là lĩnh vực khuyến khích đầu tư và ưu tiên phát triển trong nước. Nhưng khi doanh nghiệp lập dự án đầu tư ở các địa phương thì lãnh đạo ban ngành địa phương lại tỏ ra xem nhẹ. Nhà nước cần có những cơ chế ưu tiên cụ thể, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp này hoạt động.
8 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 46.054 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 320.801 tỷ đồng, giảm 11,5% về số lượng doanh nghiệp, tăng 0,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2011.
TP.HCM hiện có gần 180.000 được thành lập, chiếm gần 30% số doanh nghiệp trên cả nước. Số doanh nghiệp giải thể là 11.397 doanh nghiệp, trong đó, 1.681 doanh nghiệp đã giải thể, 9.716 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp hãy dựa vào chính mình, dựa vào hiệp hội để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước, hơn là chờ những gói kích cầu, hỗ trợ từ phía Chính phủ.