Doanh nghiệp dược tăng trưởng như thế nào trong 6 tháng đầu năm?
Tính tổng 13 doanh nghiệp sản xuất và phân phối dược phẩm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6,1% và 14,9%. 13 công ty này gồm: Imexpharm (IMP), Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Dược Cửu Long (DCL), Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC), Traphaco (TRA), SPM, Dược phẩm Trung ương III (DP3), OPC, Dược Lâm Đồng Ladophar (LDP), Dược phẩm Hà Tây (DHT), Dược Bến Tre (DBT), và Vimedimex (VMD).
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, hiện nay thuốc trong nước chủ yếu là các loại thuốc bào chế đơn giản. Rất nhiều hoạt chất có trên 100 số đăng ký. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá giữa các công ty dược. Các doanh nghiệp dược đẩy mạnh công tác marketing, xúc tiến bán hàng. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, bất chấp những lo ngại về sự cạnh tranh gay gắt trên cả thị trường thuốc bán lẻ ở hệ thống các quầy thuốc (OTC) lẫn thuốc kê đơn (ETC), thực tế cho thấy thị trường vẫn còn dự địa để tăng trưởng, miễn là các công ty dược tìm được cách tiếp cận hợp lý.
Chẳng hạn DHG phải thay đổi chiến lược bán hàng, hoặc DMC tiến hành tái cơ cấu danh mục thuốc dẫn đến doanh thu tăng trưởng âm trong năm 2015, nhưng những chiến lược này đã phần nào phát huy hiệu quả trong năm 2016.
Hay như TRA đổi mới hệ thống phân phối từ bán buôn sang bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng và biên lợi nhuận được cải thiện. Ở chiều ngược lại, IMP ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ do doanh thu kênh OTC không tăng trưởng và doanh thu hàng nhượng quyền sụt giảm. Tuy nhiên, với 2 nhà máy sắp được công nhận đạt tiêu chuẩn EU-GMP, 2017 hứa hẹn sẽ là một năm tăng trưởng bùng nổ với IMP, đặc biệt là ở kênh ETC.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Dược trong 6 tháng đầu năm 2016. Nguồn: VDSC. |
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt, hoạt động kinh doanh của các công ty dược trong 6 tháng cuối năm dự kiến không có nhiều biến chuyển so với nửa đầu năm do đây là ngành có độ ổn định cao và không có những cú sốc trong ngắn hạn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh việc bán hàng vào nửa cuối năm, nên doanh thu trong giai đoạn này thường lớn hơn nửa đầu năm. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra trong năm nay (ngoại trừ IMP và SPM).
Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm của các doanh nghiệp dược. Nguồn: VDSC. |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành dược đã trải qua 2 đợt sóng từ đâu năm, giá của các cổ phiếu dược phẩm lúc này đã không còn quá hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu có mức định giá tương đối cao như DMC, TRA hay IMP, cho thấy thị trường đang đánh giá cao triển vọng của các công ty này trong tương lai.
P/E dự phóng của các doanh nghiệp dược. Nguồn: VDSC. |