Doanh nghiệp có vốn cũng “chết”
Doanh nghiệp "chết" vì không bán được hàng - Ảnh IT |
Ông Huỳnh Thái Quốc, Trưởng phòng Kinh tế quận 7 cho biết, từ đầu năm đến nay, sức mua trên địa bàn quận 7 giảm rất mạnh. Tỷ lệ giảm sức mua chung trên thị trường là từ 20 – 30%, có thời điểm còn giảm đến 40%.
Theo ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Minh Diệu, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vẫn là thị trường, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Doanh nghiệp cho dù có vốn để sản xuất nhưng không tiêu thụ được hàng hóa thì cũng “chết”. Công ty Minh Diệu hiện tại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất do không bán được hàng. Sản lượng sản xuất hiện chỉ đạt 45% so với những năm phát triển thuận lợi.
Năm nay là năm đầu tiên Công ty CP XNK Nhà Bè lỗ sau khi cổ phần hóa, với con số lỗ gần 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty CP XNK Nhà Bè nhận định: “Các doanh nghiệp trong thời gian qua cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: không bán được hàng, tồn kho, thiếu vốn, vay ngân hàng lãi suất cao, nợ nần không trả được rồi… chết”.
Trong khi vốn vay vẫn tiếp tục gặp khó khăn, các doanh nghiệp cho rằng, thành phố nên tập trung cải thiện sức mua hơn là tìm vốn cứu doanh nghiệp.
Ông Võ Thái Lâm, Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Tiên nói: “Cứ để doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn để hoạt động. Nhà nước nên tập trung cho người mua. Tôi đã hỏi một số doanh nghiệp rằng, nếu có tiền thì các anh sẽ làm gì? Phần lớn đều không biết rằng họ sẽ làm gì để vực dậy tình hình hoạt động đang ngày càng khó khăn. Còn đại diện HTX Sao Mai nói, nếu có tiền, sẽ chuyển qua mô hình dịch vụ khác để tồn tại. Nếu là doanh nghiệp dịch vụ thì việc chuyển đổi loại hình kinh doanh tương đối đơn giản. Nhưng nếu là doanh nghiệp sản xuất thì rất khó”.
Ông Võ Thái Lâm: "Nhà nước phải là khách hàng lớn của doanh nghiệp" - Ảnh Duy Nguyên |
Theo ông Lâm, khu vực Nhà nước đầu tư không ít vào lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng số tiền này lại đi ra nước ngoài chứ không nằm ở chỗ các doanh nghiệp trong nước. Một tỉnh đầu tư cho một cổng thông tin điện tử với giá 3 tỷ đồng thì đã phải trả đến 2,5 tỷ đồng cho Microsoft.
"Khi chào sản phẩm với 1 tỉnh, dù sản phẩm của chúng tôi năng suất tốt hơn, chức năng giống như một sản phẩm nước ngoài, bảo hành 3 năm và chấp nhận chỉ lấy trước 50% giá tiền, 50% còn lại có thể trả bất cứ lúc nào, nhưng vẫn không bán được hàng", ông Lâm bức xúc.
“Trình độ công nghệ trong nước không tệ đến mức Chính phủ không thể dùng được. Nhà nước phải tin tưởng và mua sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, đó phải là ưu tiên số 1”, ông Lâm nhấn mạnh.
Điển hình, trong thời gian qua, Đà Nẵng là địa phương đã làm tốt việc ưu tiên mua hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Địa phương này đã chọn các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước để thực hiện Chính phủ điện tử từ nguồn tài trợ của VietBank.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Kinh tế quận 7, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận 7 có 810 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2011.
Khi Phòng Kinh tế kiểm tra ngẫu nhiên 573 doanh nghiệp thành lập từ năm 2011 đến nay thì có 244 doanh nghiệp đang hoạt động, 4 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể và có đến 325 doanh nghiệp mất tích, không còn địa chỉ hoặc sai địa chỉ.