Doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho TPP
Cập nhật về tình hình phê chuẩn của các nước tham gia Hiệp định TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Australia đã trình Quốc hội để tiến hành thủ tục phê chuẩn, nhưng còn chờ Chính phủ mới. Còn Brunei đang rà soát các văn bản pháp luật, dự kiến trình Hội đồng Lập pháp vào tháng 3/2017.
Một số nước dự kiến trình TPP ra quốc hội vào cuối năm nay như Canada, Chile, Mexico, New Zealand và Singapore. Nhật Bản đã trình TPP ra Quốc hội và dự kiến thông qua vào cuối năm nay.
Malaysia là một trường hợp đặc biệt, Chính phủ nước này đã trình Quốc hội cho phép ký TPP nhưng cần hoàn thiện các luật trong nước trước khi chính thức công bố thời gian phê chuẩn Hiệp định. Còn Peru đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn nhưng thời điểm chưa rõ do Chính phủ mới được thành lập.
Ông Khánh nhấn mạnh, nếu Hoa Kỳ, quốc gia có tỉ lệ GDP lớn trong số 12 nước tham gia TPP, không phê chuẩn thì Hiệp định này sẽ không có hiệu lực.
Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Hoa Kỳ đang đánh giá Hiệp định này theo quyền đàm phán nhanh (TPA). Chính phủ nước này đang tham vấn với Quốc hội và tính toán thời điểm trình Quốc hội.
Tại Việt Nam, ngày 9/5/2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn TPP để trình Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV (dự kiến bắt đầu từ 20/7 tới).
Để trả lời cho câu hỏi “DN Việt Nam đã sẵn sàng cho TPP chưa?”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc điều tra với 1.500 DN sản xuất nhưng chỉ có khoảng 250 DN phản hồi.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, câu trả lời ngắn gọn nhất mà VCCI nhận được là “DN đã sẵn sàng hơn cho TPP nhưng vẫn chưa đủ”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, hiện có 83% DN được hỏi biết về TPP, nhiều hơn con số 77% của năm 2015. Con số này có được một phần nhờ vào nỗ lực của các cơ quan Chính phủ trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin cho DN.
Không chỉ dừng ở hiểu biết, DN đã bắt đầu có hành động chuẩn bị tận dụng những lợi ích mà các FTA mang lại. Theo đó, 88% DN trả lời có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong 3 năm tới, tập trung nhiều nhất ở 3 khía cạnh là chất lượng sản phẩm, tận dụng công nghệ và tiếp cận thị trường mới.
Tuy nhiên, 3 khía cạnh DN ít tập trung là chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng; đạt tiêu chuẩn lao động quốc tế; tham gia chuỗi sản xuất, lĩnh vực mới.
Dù tỉ lệ DN hiểu về các hiệp định đã tăng lên song VCCI vẫn cho rằng, DN “chưa đủ sẵn sàng” bởi hầu hết đều cho rằng các cam kết phức tạp khiến DN khó hiểu bản chất để thực hiện.
Nguyên nhân của việc “khó hiểu bản chất” này được ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định là do trình độ tiếng Anh, khả năng còn hạn chế của cán bộ công chức trong việc hiểu đúng bản chất pháp lý, nội hàm các quy định quốc tế liên quan FTA để chuyển hóa, thiết kế lời văn điều chỉnh pháp luật Việt Nam. Không chỉ vậy, DN còn thiếu thông tin đầy đủ về cam kết và cách thức thực hiện; bất cập trong tổ chức thực thi hiệp định của cơ quan nhà nước.
Các FTA thế hệ mới được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam như tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường... Làm sao để tận dụng những cơ hội này? Câu trả lời được nhiều chuyên gia nhắc tới vẫn là sự tự vận động của DN như chủ động thay đổi, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, dũng cảm thay đổi, sẵn sàng điều chỉnh.
Tuy nhiên, sự dũng cảm thay đổi của DN là chưa đủ. Không thể thiếu bàn tay nâng đỡ, sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi chính sách tạo đà cho DN.