Đổ xô tầm soát ung thư tuyến giáp: Có đúng không?
Hiện nay ung thư tuyến giáp được xem là ung thư phổ biến và thường phát hiện qua khám sàng lọc. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định lạm dụng tầm soát ung thư tuyến giáp là phản khoa học.
Đổ xô tầm soát ung thư tuyến giáp: Có đúng không? (Ảnh minh họa) |
Chị Nguyễn Thị Thanh – sinh năm 1984, Hà Đông, Hà Nội, cho biết chị đi khám sức khoẻ do công ty tổ chức. Khi siêu âm tuyến giáp bác sĩ phát hiện có u tuyến giáp thuỳ trái. Khối u tuyến giáp hỗn hợp, có vôi hóa. Bác sĩ tư vấn khuyên chị Thanh chọc sinh thiết tế bào kiểm tra.
Kết quả sinh thiết lành tính, chị Thanh tiếp tục được tư vấn 3 tháng sau phải kiểm tra sinh thiết lại. Cứ nghĩ đến ung thư, chị Thanh vô cùng lo lắng. Chị mất ăn, mất ngủ thậm chí cả gia đình đều lo lắng chờ đến 3 tháng sau để còn đi kiểm tra.
Không chờ đến 3 tháng, được hơn 1 tháng sau chị Thanh đã đến cơ sở y tế khác kiểm tra. Khi sinh thiết bướu hỗn hợp và không cần điều trị gì. Lúc này, cả gia đình mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa Ung bướu, BV Quận Thủ Đức, TP.HCM, ông cũng thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhân đặc biệt là nữ còn rất trẻ cũng đi khám sức khoẻ tổng quát và phát hiện u tuyến giáp từ 4mm – 8mm nhưng tư vấn đến ung thư tuyến giáp nên ai cũng tỏ ra lo lắng mình sẽ bị ung thư. BS Vũ kể trường như chị Thanh trên không phải là hiếm mà hầu như tuần nào cũng có vài người mang kết quả siêu âm vào với tâm lý lo lắng vì sợ ung thư tuyến giáp.
Bác sĩ Vũ cho biết bướu cổ là triệu chứng thường gặp, dùng để chỉ khối u gồ lên tại vùng cổ, có thể bướu của tuyến giáp, bướu của tuyến nước bọt, hạch… trong đó bướu của tuyến giáp là thường gặp nhất với phần lớn các trường hợp là lành tính và không cần điều trị.
Ung thư tuyến giáp là loại ung thư hiếm gặp và được xem là loại ung thư “hiền” nhất do diễn tiến chậm chạp kéo dài nhiều năm và tiên lượng tốt, vì vậy người dân không nên lo lắng về ung thư tuyến giáp.
Theo Bác sĩ Vũ, hiện nay đang có “phong trào” siêu âm bướu cổ, lồng ghép trong các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc các gói khám tổng quát tại các phòng khám nhằm tầm soát ung thư tuyến giáp, đây là việc làm phản khoa học và gây tốn kém cho bệnh nhân.
Không riêng gì ung thư giáp, không khó để nhận thấy rất nhiều quảng cáo khoa trương về tầm soát ung thư tại Việt Nam. Nhiều gói tầm soát ung thư được đưa ra nhằm vào tâm lý lo sợ ung thư của người dân dù thiếu bằng chứng khoa học, không hiệu quả.
Việc lạm dụng siêu âm bướu cổ (tuyến giáp) và các chất đánh dấu bướu (chỉ điểm khối u), việc lạm dụng siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát ung thư giáp sẽ dẫn đến điều trị quá mức, không cần thiết do ung thư giáp là bệnh lý tiến triển rất chậm và nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm soát ung thư tuyến giáp chỉ gây thêm biến chứng do việc điều trị gây ra mà không giúp ích gì cho bệnh nhân.
Bác sĩ Vũ cho biết kinh nghiệm từ Hàn quốc cho thấy sau gần 20 năm lạm dụng siêu âm bướu cổ, số ca ung thư tuyến giáp đã tăng lên gấp 15 lần nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh lý này không thay đổi, do đó cho thấy nhiều người vẫn sống hòa bình được với khối u mà không cần điều trị và một phần lớn bệnh nhân đã điều trị không cần thiết với chi phí và các biến chứng đi kèm với việc điều trị.
Ngoài ra các xét nghiệm như siêu âm hay chọc hút tế bào (FNA) đều có khả năng gây dương tính giả (không bệnh thành có bệnh) nên nhiều bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ oan uổng.
Điều này cũng được xác nhận qua các khuyến cáo của các Hội ung thư lớn trên thế giới, không nên lạm dụng siêu âm bướu cổ khi không có triệu chứng.
Chính vì thế, bác sĩ Vũ cho biết người dân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám khi có các triệu chứng như khối u ở cổ, khàn tiếng, ho kéo dài, khạc đàm máu… Những người bị bướu cổ có thể theo dõi không cần chọc sinh thiết nhiều lần vì ung thư tuyến giáp diễn biến rất chậm nên những người bị bướu cổ không nên quá lo lắng.
Phương Thúy