“Đo” tín nhiệm của Quốc hội qua số lượng đơn thư
Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 228 và 694 thuộc UB TVQH cho biết từ năm 2009 đến nay, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các ban của UB TVQH đã nhận 88.335 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Đơn thư phản ánh của công dân đã được quan tâm hơn. Nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri cũng được phản ánh với ĐBQH qua các kỳ tiếp xúc cử tri. |
Ban soạn thảo đánh giá, việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của UB TVQH “được quan tâm hơn”. Các Ủy ban nhận được nhiều đơn thư như Ủy ban Tư pháp (trên 31.400), Ủy ban Kinh tế (trên 28.000), Ủy ban Pháp luật (11.800)… đã dành nhiều thời gian, công sức, phân công thường trực Ủy ban trực tiếp chỉ đạo và cán bộ giúp việc tăng cường xử lý đơn, thư.
Bên cạnh đó công tác theo dõi, đôn đốc cũng ngày càng được tăng cường. Đáng lưu ý, một số ủy ban như Tư pháp, Pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã ban hành quy chế tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này.
Tuy nhiên Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban soạn thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Số lượng đơn thư có nội dung trùng lặp và đơn không đủ điều kiện xử lý khá lớn nhưng chưa được xử lý ngay tại Ban Dân nguyện, vẫn phải xử lý ở cả 2 cơ quan, gây lãng phí thời gian, công sức.
Một số Ủy ban sau khi tiếp nhận đơn, thư không thuộc lĩnh vực phụ trách, chưa kịp thời chuyển đến các ủy ban khác để xử lý. Việc chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm, chưa có quy định cụ thể về cách thức, quy trình xử lý đối với đơn thư ghi đích danh đại biểu nhưng nội dung đơn lại không thuộc thẩm quyền, việc phối hợp xử lý đơn thư còn nhiều bất cập…
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Hiền do khối lượng công việc nhiều, trong khi đội ngũ cán bộ còn mỏng. Trong khi đó Nghị quyết 694 lại chưa có quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư nên còn lúng túng và việc thực hiện quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư còn khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan của Quốc hội.
Trước thực tế đó, các ủy ban của Quốc hội và Ban của UB TVQH đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Nghị quyết 228 và 694 bổ sung thêm những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, chức năng và trách nhiệm xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị bổ sung thêm nội dung về thẩm quyền xử lý đơn thư của Ủy ban là “Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, của người có thẩm quyền trong quân đội và công an” để bao quát đầy đủ phạm vi của khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại.
Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý đơn thư trong trường hợp công dân có đơn là cử tri nơi đại biểu ứng cử, gửi trực tiếp đến đại biểu là Thường trực Ủy ban nhưng nội dung đơn thư đó không thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách; bổ sung thẩm quyền xử lý đơn, thư liên quan đến thi đua, khen thưởng…