DN vận tải lo bị thu phí theo kỳ đăng kiểm
DN vận tải lo bị thu phí theo kỳ đăng kiểm
Doanh nghiệp yêu cầu, khi nào sử dụng đường mới chịu phí - Ảnh Duy Nguyên |
Mới đây, liên Bộ Tài chính – GTVT đã thống nhất phương tiện ô tô sẽ nộp phí bảo trì đường bộ thu từ ngày 1/1/2013 qua các kỳ đăng kiểm 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Theo ông Lê Thành Thao, Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Quảng Châu, việc thu phí theo kỳ đăng kiểm sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho các doanh nghiệp khi thực thi. Với doanh nghiệp lớn thì số tiền đóng phí có thể lên tới cả tỷ đồng/tháng. Như vậy, không tránh khỏi việc doanh nghiệp sẽ phải vay tiền để đóng phí. Như vậy khác nào trả lãi 2 lần cho một đầu phương tiện, vay để đầu tư phương tiện và vay để nộp phí bảo trì đường bộ. “Nộp phí theo kiểu này chẳng khác nào chiếm dụng vốn của doanh nghiệp”, ông Thao bức xúc.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đồng tình với các doanh nghiệp vận tải, việc thu phí bảo trì đường bộ qua các kỳ đăng kiểm phương tiện vận tải là không hợp lý. Bởi khi đó, doanh nghiệp vận tải tức khắc sẽ phải cần thêm một số vốn lưu động không nhỏ khi đưa phương tiện đi đăng kiểm. Trung bình phải ứng trước khoảng 1 triệu đồng cho một phương tiện đầu kéo và một sơmi rơmoóc cho một chu kỳ đăng kiểm 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp chắc chắn buộc phải đi vay tiền để đóng phí.
“Đó là chưa kể, một lượng lớn các doanh nghiệp sẽ tránh đăng kiểm rơmoóc và sơmi rơmoóc để “né” phí cao”, ông Dinh nói.
Mặt khác, do phải đóng phí cho cả quá trình hoạt động trong tương lai (3, 6 hoặc 12 tháng), buộc các doanh nghiệp phải tính toán, lập rủi ro do phương tiện không hoạt động đủ, đều trong chu kỳ đăng kiểm khi: khách hàng gặp khó khăn, người lao động nghỉ việc, kinh doanh gặp khó…, dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản.
Một trường hợp khác là nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải nâng giá thành để tồn tại. Nhưng giá vận tải cao sẽ khó tiếp cận khách hàng và khả năng mất khách vào các công ty khác là điều khó tránh khỏi.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho rằng: “Nên quy định thời điểm trả phí là khi sử dụng mới trả phí. Bởi nếu doanh nghiệp phải trả phí theo kỳ đăng kiểm thì sẽ tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi hoạt động mới có doanh thu để trang trải chi phí, trong đó có chi phí bảo trì đường bộ. Nếu xe không hoạt động hoặc hoạt động ít hơn do không có hợp đồng vận tải thì doanh nghiệp lấy khoản nào để trang trải chi phí này? Nhất là đối với doanh nghiệp mới ra đời”.
duy nguyên