DN dệt may quyết không để thua trên sân nhà
Mặt hàng dệt may Việt Nam đang được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng
Bên cạnh việc phát triển kênh phân phối cùng mạng lưới bán lẻ, các DN DM đã đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong số gần 2.000 DN DM của cả nước, đã có hơn 100 DN có thương hiệu như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Đông Xuân, Thái Tuấn, Vera, Ninomax, PT2000… liên tục được NTD bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Điều dễ nhận thấy ở sản phẩm DM nội địa là được làm từ những chất liệu mềm, thoáng mát, mẫu mã đẹp, giá phải chăng và phù hợp với thị hiếu NTD.
Ngoài những thương hiệu thời trang cao cấp, đáp ứng nhu cầu của NTD có thu nhập cao như Eva de Eve, Ivy, NEM, SanCiaro, Manhattan, Eternity GrusZ… nhiều dòng sản phẩm dành cho người có thu nhập trung bình thấp với chất lượng tốt, giá hợp lý đã thỏa mãn được nhu cầu mặc đẹp của đông đảo NTD. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 80% NTD cả nước, nhất là NTD ở nông thôn muốn sử dụng sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Việc "cháy" hàng, doanh thu tăng gấp chục lần bình thường chỉ sau vài ngày đưa hàng về giới thiệu… đã khiến nhiều DN không khỏi ngỡ ngàng trước sức tiêu thụ của thị trường nông thôn, lâu nay đã bị lãng quên.
Chẳng hạn như sản phẩm quần áo mang thương hiệu Việt Long của Công ty CP May Việt Tiến hướng đến khách hàng có thu nhập trung bình. Qua những lần đưa hàng về nông thôn, với ưu thế về giá và chất lượng sản phẩm, Việt Long đã nhanh chóng lan tỏa khắp các vùng, miền theo hệ thống phân phối của Việt Tiến trên toàn quốc, thu được thành công ngoài mong đợi. Đại diện lãnh đạo Việt Tiến chia sẻ, DN đang nỗ lực để đi sâu chiếm lĩnh phân khúc thị trường này trong thời gian ngắn nhất. Trong khi đó, với 130 điểm bán và giới thiệu sản phẩm tại ba miền Bắc, Trung, Nam; Tổng công ty CP May 10 đang tiếp tục triển khai chiến lược phát triển hệ thống phân phối, nhằm "phủ sóng" sản phẩm May 10 trên cả nước ở cả phân khúc trung, cao cấp để cạnh tranh với hàng cùng loại có xuất xứ từ nước ngoài.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng DM nội địa là do DN chưa đầu tư thỏa đáng cho việc quảng bá, phân phối sản phẩm. Do thị trường bị bỏ ngỏ, NTD ở nông thôn khó tìm được hàng chất lượng tốt, muốn được sử dụng sản phẩm trong nước nhưng không biết mua ở đâu. Qua những chuyến đưa hàng về nông thôn, không chỉ DN nhận được sự ủng hộ của người dân, chính quyền sở tại, mà bản thân các DN đã tìm được cơ hội lớn tại những thị trường nhỏ. Đây là hiệu quả không thể đo đếm được. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn DM Việt Nam tăng cường đưa hàng Việt đến với NTD qua các hội chợ thời trang, đưa hàng về nông thôn, biên giới và hải đảo qua hệ thống siêu thị Vinatex Mart, đồng thời chủ động và kiên quyết bảo vệ NTD trước hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để cạnh tranh được với những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài và ngăn chặn triệt để hàng nhập lậu ngay tại "sân nhà", các DN DM cần sớm xây dựng những cửa hàng chuyên bán hàng Việt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sản phẩm DM không chỉ được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý, mà còn phải phân phối tại các chợ truyền thống để đến được đông đảo NTD. Đồng thời, để khắc phục tâm lý sính "ngoại" của NTD, DN cần nghiên cứu, đầu tư áp dụng công nghệ mới, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong từng sản phẩm, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh. Ngoài sự nỗ lực của DN, để tiếp sức cho sản phẩm DM trong nước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, không thể thiếu những chính sách của ngành chức năng để giải quyết những vấn đề về vốn, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối…
Đồng thời, có cơ chế cho phép DN sử dụng miễn phí 2-3 năm các khu vực chợ đầu mối đã được Nhà nước đầu tư tại các địa phương nhưng chưa khai thác hết… Có như thế, ngành DM mới cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu là tăng trưởng doanh thu nội địa và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.