DN "đau đầu" tìm giải pháp phát triển hàng Việt
Nhiều đại biểu thống nhất: Việc mua sắm công, dùng ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua hàng Việt Nam
Qua hơn 2 năm phát động cuộc vận động NVNUTDHVN của Bộ Chính trị, có thể khẳng định hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng cả nước. Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Đây được coi là cơ hội vàng đối với các doanh nghiệp để nâng cao hoạt động kinh doanh, tạo uy tín, tạo thương hiệu cũng như thể hiện năng lực cạnh tranh đối với hàng hoá ngoại nhập.
Ông Văn Hữu Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sau một thời gian dài, các DN gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng cao, sức mua của thị trường trong nước giảm sút nghiêm trọng, nhiều DN đã bán hàng hoá dưới giá thành gây nên sự bế tắc nhất định cho nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc là một nước có nền sản xuất hàng tiêu dùng lớn, là công xưởng của thế giới, do khó khăn về kinh tế, Trung Quốc đang có một lượng hàng hoá tồn kho rất lớn kể cả tư liệu sản xuất và tìm mọi cách để xuất sang Việt Nam tiêu thụ. Đây là nguy cơ lớn Nhà nước cần có các biện pháp mạnh và hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Ông Thiết cũng kiến nghị: Việc mua sắm công, dùng ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua hàng Việt Nam, các cán bộ nhà nước phải gương mẫu dùng hàng Việt Nam; đặc biệt các quan chức lãnh đạo các cấp phải tiên phong sử dụng hàng Việt Nam như một mẫu mực đạo đức về lòng yêu nước để thuyết phục toàn dân hưởng ứng cuộc vận động NVNUTDHVN. Nhà nước cần có chiến lược về thị trường nội địa; hoàn thiện hệ thống chính sách chống hàng lậu, hàng giả; hạn chế nhập các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; hỗ trợ phát triển nguồn nhiên liệu bền vững cho các DN Việt; xúc tiến thương mại đa chiều giữa các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu, các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước theo xu hướng ưu tiên dùng hàng nội địa.
Đối với các DN, cần hoàn thiện chiến lược sản phẩm, thay đổi mẫu mã, chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm theo nhu cầu càng ngày càng cao của người tiêu dùng. Ưu tiên những DN có lợi thế cao về nguồn nhiên liệu, nguồn tiêu thụ, phù hợp với khả năng, tay nghề và trình độ kỹ thuật của Việt Nam hiện nay như nông, lâm sản, phần mềm tin học…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Văn phòng đại diện Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam tại miền Trung đưa ra các giải pháp phát triển hàng Việt: Đối với các DN, khi sản xuất, kinh doanh thì cần phải có cái tâm, có đạo đức tốt; có kế hoạch hành động cụ thể; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối hiệu quả, rộng khắp; làm tốt công tác kết nối thông tin giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh, sản xuất…Đối với chính quyền và các cơ quan chức năng, ông Sơn kiến nghị: Nên tăng cường tổ chức đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa; tổ chức những cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam tại các chợ đầu mối; quảng bá rộng rãi nội dung cuộc vận động đến người dân kể cả học sinh, sinh viên ở các trường học; mở diễn đàn trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người tiêu dùng tiếp cận, ủng hộ và phản ánh, góp ý về chất lượng hàng Việt; ưu tiên việc quảng cáo cũng như hạn chế quảng cáo hàng hoá nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử phạt nghiêm việc vi phạm sản xuất hàng giả, hàng nhái; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu hàng Việt và tôn vinh các DN sản xuất, phân phối trong nước có uy tín…
Bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Intimex Đà Nẵng, dưới góc độ của nhà bán lẻ bổ sung thêm, ngoài các yếu tố giá cả, chất lượng, mẫu mã thì dịch vụ hậu mãi và thông tin quảng bá sản phẩm cũng rất cần thiết. Hiện nay một số công ty liên doanh sản xuất hàng hoá tiêu dùng tại Việt Nam có xu hướng tăng hàng nhập khẩu vào Việt Nam để đưa vào kênh phân phối, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia…Vì hiện nay hàng hoá nhập khẩu từ các nước này có thuế nhập khẩu ưu đãi nên giá rất thấp, sức cạnh tranh với hàng Việt rất cao. Nếu Nhà nước không có chính sách ưu đãi hợp lý đối với các DN trong nước thì đến một lúc nào đó các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ thâu tóm thị trường Việt Nam; lúc đó hệ thống phân phối sẽ phụ thuộc vào các DN nước ngoài.