Điện tử hóa ngành Xuất bản - In và Phát hành
Những bước thăng trầm
Hoạt động xuất bản cách mạng được bắt đầu từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Trước năm 1945, hoạt động xuất bản trong điều kiện bí mật và rất nguy hiểm đến tính mạng của các cán bộ, công nhân tham gia hoạt động xuất bản. Cơ sở vật chất cho việc biên soạn, in ấn, phát hành vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên, những người làm xuất bản đã anh dũng vượt qua mọi khó khăn đó.
Trong điều kiện hoạt động bí mật, công tác xuất bản đã được quan tâm đặc biệt. Đảng coi sách báo cách mạng là vũ khí hữu hiệu để thông tin chỉ đạo những nhiệm vụ cách mạng đến các tổ chức quần chúng, là mối liên hệ kết nối Đảng với quần chúng.
Giai đoạn 1945 – 1954, đã có tổng số 8.574.400 bản sách được xuất bản, gồm nhiều mảng chủ đề khác nhau, trong đó nhiều nhất và quan trọng nhất là sách chính trị, tuyên truyền, vận động quần chúng và sách quân sự để đáp ứng trực tiếp nhu cầu của cuộc kháng chiến.
Ngày 10/10/1952, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nhà in Quốc gia – cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quốc gia đầu tiên về xuất bản, in và phát hành của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với sở cứ này, ngày 10/10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản – In và Phát hành.
Sau đó, Nhà in Quốc gia được chia làm 3 ngành Xuất bản, In và Phát hành. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành Xuất bản – In và Phát hành luôn hoàn thành tốt vai trò của mình và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi cũng như những thành tựu chung của đất nước.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, ngành Xuất bản – In và Phát hành đã đạt những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, thể hiện rõ xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành, giảm thiểu, hạn chế những tiêu cực phát sinh, phát huy những tác dụng tích cực của ngành đối với đời sống xã hội, Cục Xuất bản (thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin cũ), và sau này là Cục Xuất bản - In và Phát hành (thuộc Bộ TT&TT) đã được thành lập.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ chỗ hoạt động nhỏ lẻ, bí mật ban đầu, tới nay, ngành Xuất bản – In và Phát hành đã trở thành một ngành hoạt động độc lập, tự chủ, góp phần đưa Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế và khẳng định vai trò trong khu vực.
Toàn quốc hiện có 62 nhà xuất bản, thu hút khoảng 5.500 lao động, trong đó có khoảng 1.200 biên tập viên; khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; hơn 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 117 công ty, đơn vị phát hành sách, và gần 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc.
Doanh thu toàn ngành liên tục tăng trưởng. Tổng doanh thu toàn ngành Xuất bản ước đạt 5.100 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm ước đạt 23 triệu USD (trong đó nhập khẩu là 18,9 triệu USD, xuất khẩu là 4,1 triệu USD).
Xu thế điện tử hóa
Theo định hướng phát triển ngành TT&TT tới năm 2020, Bộ TT&TT xác định thời gian tới, toàn ngành Xuất bản – In và Phát hành sẽ tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất, từng bước nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ, phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời hội nhập.
Mục tiêu chính là cố gắng đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm cho toàn xã hội bằng nhiều phương thức, thể loại, đặc biệt, tập trung chú trọng và phát triển phương thức xuất bản điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT-TT vào công tác in và phát hành.
Theo đánh giá chung, việc ứng dụng CNTT-TT vào công tác in và phát hành hiện nay không có nhiều vấn đề nổi cộm như ứng dụng CNTT-TT vào công tác xuất bản.
Xuất bản điện tử không phải là khái niệm mới ở Việt Nam. |
Trên thực tế, xuất bản điện tử không phải là khái niệm mới ở Việt Nam. Song tiến trình phát triển của phương thức xuất bản hiện đại này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như vấn nạn vi phạm bản quyền, thói quen đọc miễn phí trên mạng Internet của độc giả...
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ TT&TT, riêng trong lĩnh vực Xuất bản - in - Phát hành, một trong những khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu cơ chế, chính sách về quản lý xuất bản phẩm điện tử. Trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực xuất bản - in - phát hành là đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản phẩm điện tử nói riêng.
Tại một hội thảo về xuất bản điện tử cách đây ít lâu, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một chế tài chặt chẽ tránh tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong công tác xuất bản sách điện tử như bây giờ. Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng từng đề xuất: “Là cơ quan tham mưu cho chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, Bộ TT&TT cần sớm tổ chức rà soát. Từ đó cập nhật, cung cấp thông tin chính thống về công tác quản lý hoạt động xuất bản điện tử. Nên có một lộ trình rõ ràng, quyết liệt để sớm có một hành lang pháp lý đầy đủ với những cơ chế thiết thực để hoạt động xuất bản điện tử của chúng ta phát triển”.
Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt kiến nghị: “Để quản lý chặt chẽ công tác xuất bản thì các ban, ngành quản lý cần phải có đội ngũ nhân lực giỏi về công nghệ. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ các điều kiện kỹ thuật cho việc xuất bản điện tử, đảm bảo được sự tương đồng giữa qui trình quản lý xuất bản truyền thống và qui trình xuất bản điện tử, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản”.
Mới đây, Nhà xuất bản (NXB) TT&TT vừa là đơn vị đầu tiên trên cả nước được Cục Xuất bản, In và Phát hành – Bộ TT&TT cấp Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử. Hệ thống xuất bản điện tử do NXB TT&TT tự nghiên cứu và phát triển có nhiều tính năng hiện đại, tiên tiến. Chẳng hạn, mỗi khi hệ thống phát hành sách thì thiết bị của người dùng phải kết nối với hệ thống mới tải được sách về. Nếu có lệnh thu hồi một cuốn sách nào đó, người quản trị chỉ cần đặt lệnh trên hệ thống, và khi khi người dùng mở phần mềm đọc trên thiết bị có kết nối Internet thì cuốn sách đó sẽ tự động bị thu hồi. Trước khi thu hồi đều có thông báo cho người dùng biết lý do sách bị thu hồi. Tính năng này đã khắc phục được hiện trạng phổ biến là sau phát hành qua mạng, khi sách điện tử được tải về thiết bị của người dùng rồi thì thông thường rất khó có thể kiểm soát, thu hồi được.
Trong bối cảnh thị trường sách điện tử còn rất nhiều khó khăn, lợi nhuận mang lại của sách điện tử cho các NXB còn khá khiêm tốn, sự nghiêm túc đầu tư xuất bản điện tử của NXB TT&TT sẽ góp phần tích cực đem lại những bước tiến mới cho hoạt động xuất bản điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Sách điện tử sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành Xuất bản Việt Nam và đem đến nhiều trải nghiệm khác biệt trong việc thưởng thức văn hóa đọc ở nước ta”, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc NXB TT&TT nhận xét.