Điện Biên kiến nghị nhiều đề xuất trong xây dựng nông thôn mới
Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới có nguồn thu ngân sách thấp, phụ chủ yếu thuộc vào ngân sách của Trung ương cấp. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, nguồn vốn lồng ghép và nguồn vốn trực tiếp cho Chương trình chưa đáp ứng nhu cầu.
Các nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp của các tổ chức và người dân hết sức hạn chế do trên địa bàn tỉnh không có các doanh nghiệp lớn hoạt động và đời sống dân cư còn khó khăn.
Vì vậy, để triển khai thực hiện mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Điện Biên đề xuất, kiến nghị Chính phủ phân bổ nguồn lực Ngân sách Nhà nước cho các địa phương không quy định hệ số để các địa phương trình HĐND tỉnh phân bổ theo các mục tiêu của tỉnh đề ra.
Mô hình trồng lúa kết hợp vụ Đông tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã; Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới và Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động chính quyền cơ sở và nhân dân thực hiện các tiêu chí không cần đến nhiều nguồn lực như: tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh, văn hóa, y tế,...
Tuy nhiên, đối với các tiêu chí hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: điện, giao thông, nước sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất văn hóa..., ngoài sự cố gắng của nhân dân, tỉnh Điện Biên vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Điện Biên cho rằng tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương, Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, biên giới thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.
Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Điện Biên cũng đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương kiện toàn và thống nhất Bộ máy tham mưu giúp việc cho các Chương trình MTQG cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chuyên trách (có tổ chức và bố trí biên chế riêng) để tham mưu hiệu quả; bố trí 01 biên chế chuyên trách ở cấp xã để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới – OCOP (mỗi xã một sản phẩm).