Hàng loạt ĐH công bố điểm chuẩn năm 2022
Theo công bố điểm chuẩn của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất là 29,95. Kế tiếp, ngành Báo chí, khối C00 là 29,9. Ngành Khoa học quản lý, Quản lý thông tin đều tuyển mức 29,0 với khối C00. Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác điểm chuẩn cũng cao, dao động 27 - 28 điểm.
Cụ thể điểm chuẩn các ngành của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn như sau:
Các ngành khối D có mức điểm chuẩn dao động từ 24 đến 27,5 điểm. Trong đó Quan hệ công chúng, Báo chí có mức 27,25 - 27,5 điểm.
Ở khối D, một số ngành như Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Quản trị khách sạn... có sức hút nhưng chỉ tuyển khối D nên mức điểm chuẩn vừa phải từ 25 - 27,25 điểm.
Một số ngành của trường này tuyển tổ hợp khối A có mức điểm chuẩn dao động trên dưới 23 điểm.
Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, ngành cao nhất 27,3 điểm.
Trong 6 ngành tuyển sinh, ngành Y khoa của Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất với 27,3 điểm khối B00 (thấp hơn năm ngoái 0,85 điểm). Tiếp đến là ngành Răng - Hàm - Mặt với 26,4 điểm (giảm 1,1 điểm so với năm ngoái). Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Điều dưỡng với 24,25 điểm (giảm 1,15 điểm so với năm ngoái).
Đại học Thuỷ lợi vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, ngành Công nghệ thông tin lấy điểm chuẩn cao nhất 26,6 điểm.
Trong số 37 ngành tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin cao nhất với 26,60 điểm (điểm điều kiện môn Toán từ 8,6 điểm trở lên) tăng 1,35 điểm so với năm ngoái. Kế đến là ngành Luật với 26,25 điểm (điểm điều kiện môn Toán từ 7,4 trở lên và môn Văn từ 7,75 điểm trở lên), ngành Kỹ thuật phần mềm với 25,8 điểm (điểm điều kiện môn Toán từ 8,8 trở lên), ngành Kinh tế xây dựng (tăng 3,35 điểm so với năm ngoái) với 23,05 điểm.
6 ngành lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở xuống, trong đó, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước thấp nhất với 17 điểm, tăng 1 điểm so với năm ngoái.
Ở phía Nam, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định (GDU) công bố điểm chuẩn trúng tuyển Đại học chính quy năm 2022. Theo Hội đồng tuyển sinh Nhà trường, căn cứ vào kết quả nhập học thực tế, GDU sẽ thông báo xét tuyển bổ sung nếu còn chỉ tiêu vào ngày 30/9.
Điểm chuẩn năm nay của ĐH Gia Định tăng từ 0,5-1,5 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021.
Năm nay, trường ĐH Gia Định có 3 phương thức xét tuyển: kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, kết quả học bạ THPT, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2022 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Hai trường ĐH tại TP.HCM là Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
Cụ thể, theo công bố của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, điểm chuẩn các ngành năm nay không nằm ngoài dự đoán trước đó của trường. Trong đó, nhóm ngành nóng và có sức hút với thí sinh khi lựa chọn vào trường vẫn là nhóm ngành Khoa học máy tính với 4 chuyên ngành: Trí tuệ Nhân tạo, Hệ thống dữ liệu lớn, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính & An ninh thông tin và ngành Luật kinh tế quốc tế với mức điểm chuẩn 18 điểm. Các ngành còn lại mức 17 điểm.
Trường lưu ý, tất cả thí sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu làm thủ tục xác nhận nhập học đến 17 giờ ngày 30-9. Trong đó, 100 thí sinh xác nhận nhập học đầu tiên được nhận ngay học bổng 30% học phí năm nhất, trị giá khoảng 16,2 - 42 triệu/suất.
Tương tự, theo công bố của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT cao nhất là 20, gồm các ngành là ngành Công nghệ truyền thông, Kinh doanh quốc tế, Luật quốc tế.
Các ngành Quan hệ quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Quan hệ công chúng, Kinh doanh thương mại, Quản trị nhân lực, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quảng cáo, Bất động sản, Kiểm toán có mức điểm trúng tuyển là 19. Các ngành còn lại dao động từ 17 - 18 điểm.
Hoàng Thanh