Dịch Covid-19 trở thành phép thử đối với quan hệ Nga – Trung
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc càng nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Trung Quốc vừa khai màn diễn tập 11 tuần, chiến hạm Mỹ bất ngờ có mặt ngoài bờ biển Thượng Hải
Tàu khu trục USS Rafael Peralta thuộc lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ đã bất ngờ xuất hiện ngoài bờ biển Thượng Hải của Trung Quốc.
Nga đang nghiêng về Mỹ thay vì Trung Quốc?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong thời gian qua, Nga – Trung nhiều lần ra tuyên bố khẳng định cùng nhau chung tay chống dịch bệnh và lên tiếng phản đối những cáo buộc từ phía Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số ca mới mắc Covid-19 tại Nga đang tăng nhanh chóng lại gây ảnh hưởng tới những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc đặc biệt tại tỉnh biên giới Hắc Long Giang.
Dịch Covid-19 trở thành phép thử đối với quan hệ Nga – Trung. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Kể từ tháng Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành 3 cuộc điện đàm và cam kết cùng đứng chung mặt trận chống dịch.
Song một số nhà quan sát tin rằng, Nga đang dần chuyển sang thân thiết hơn với Mỹ bởi kể từ tháng Ba, ông Putin đã thực hiện 6 cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.
Thậm chí, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ còn đưa ra tuyên bố chung vào ngày 26/4 nhân sự kiện kỷ niệm lần thứ 75 ngày tiến hành cuộc gặp đầu tiên giữa các binh sĩ Mỹ và Liên Xô trên sông Elbe gần Torgau ở Đức vào năm 1945 trong giai đoạn Thế chế thứ Hai.
Theo tờ Wall Street Journal, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã khiến giới chức Mỹ đặt câu hỏi vì sự khác biệt chính trị giữa hai nước. Còn tại Trung Quốc, một số chuyên gia nhận định đây có thể là dấu hiệu về sự cải thiện trong quan hệ giữa Nga – Mỹ.
“Tuyên bố chung hôm 26/4 có nghĩa Nga – Mỹ có thể hợp tác cùng nhau. Trong bối cảnh, quan hệ Mỹ - Trung đang xấu dần, quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Putin – Trump lại hiện hữu”, ông Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin nhận định.
Tại Nga, dịch Covid-19 hiện gây bệnh cho hơn 260.000 người và khiến hơn 2.000 người chết. Trong khi đó, tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc đã ghi nhận hơn 380 ca nhập khẩu Covid-19 mà phần lớn là người đi từ Nga về nước.
Theo ông Shi, dịch Covid-19 đang phủ bóng lên các mối quan hệ giữa Nga – Trung mà một phần là do Moscow đã có động thái sớm khi cho đóng cửa đường biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng Một bất chấp Bắc Kinh phản đối.
“Nga đã đóng cửa các đường biên giới giáp với Trung Quốc khá sớm, tạo ra nhiều vấn đề cho công dân Trung Quốc sinh sống ở Nga”, ông Shi nói.
Cũng theo ông Shi, Nga còn không thể đối phó với sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 ngay bên trong lãnh thổ quốc gia.
“Ngay khi dịch bùng phát, chính sách kiểm chế dịch bệnh của Nga đã quá lỏng lẻo và hiện tình hình trở nên càng nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh này, Tổng thống Putin dường như tìm cách ẩn mình. Cách xử lý dịch bệnh tại Nga khiến Trung Quốc không hài lòng và giờ Nga đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Sự việc này tạo ra mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc”, ông Shi nói thêm.
Còn theo ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, dịch Covid-19 đẩy mối quan hệ giữa Nga – Trung vào căng thẳng, “do đó, hai nước cần phải vượt qua bài kiểm tra này”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, trong cuộc điện đàm với ông Tập vào ngày 16/4, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, Nga phản đối những lời nói xấu về cách đối phó dịch bệnh của Trung Quốc.
Dù trong tuyên bố, cả Nga – Trung đều không nói đích danh quốc gia thứ ba nhưng trên thực tế, Mỹ thường xuyên lên tiếng chỉ trích Trung Quốc không thể kiểm soát dịch bệnh.
Tác động kinh tế
Lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga – Trung, nhưng Nga là nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn do giá dầu xuống thấp.
Một số nhà quan sát cảnh báo hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Trung Quốc sang Nga có thể bị ảnh hưởng, sau khi một nhà thầu làm việc cho Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố dừng hoạt động tại bãi khai thác khí đốt Siberia vốn là nguồn cung cho Trung Quốc sau khi nhiều công nhân được phát hiện mắc Covid-19.
Nhưng theo ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và những nỗ lực tái thiết nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu của Trung Quốc đối với nguồn năng lượng từ Nga.
Hoạt động nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng Ba từ nhà cung cấp hàng đầu là Ả Rập Xê-út đã giảm 1,6% so với một năm trước, nhưng nguồn cung từ Nga cho Trung Quốc lại tăng 31%, theo Reuters.
Hồi đầu tháng Năm, Gazprom cũng tuyên bố tập đoàn vẫn sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc như kế hoạch đã định.
“Liên quan tới dầu khí, vấn đề được cho đóng vai trò quan trọng nhất đối với Nga, Trung Quốc đang ở nắm ưu thế lựa chọn liệu họ có nên giảm số lượng mua từ các nước vùng Vịnh hoặc Mỹ Latinh. Đáng nói, nhiều nước ở vùng Vịnh lại đang là các đồng minh hiệp ước của Mỹ hoặc chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ như Ả Rập Xê-út. Nếu Trung Quốc muốn biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, Nga và Trung Á chắc chắn là con đường Trung Quốc hướng tới. Tôi cho rằng đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong năm 2020”, ông Gabuev chia sẻ.
Cũng theo ông Gabuev, nếu Nga muốn bán thêm dầu mỏ cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đề nghị Mosocw trao cho quyền tiếp cận tốt hơn tới các mỏ khai thác khí đốt của Nga.
Ông Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cũng cho rằng, nhu cầu mua năng lượng của Trung Quốc vẫn cao và Nga hiện là nhà cung cấp năng lượng ổn định nhất.
Ngoài ra, theo ông Li, Nga đã xây dựng nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ để đối phó trước những tác động của lệnh trừng phạt phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ quốc gia. Do đó, Nga hoàn toàn có thể đối phó tốt trước những tác động kinh tế từ dịch Covid-19.
Theo số liệu Ngân hàng trung ương Nga, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã đạt 566 tỉ USD tính tới ngày 1/5.
Minh Thu (lược dịch)