Đến TP Vinh học cách phân loại và tái chế rác thải cùng học sinh tiểu học
Một trong những cách truyền thông cộng đồng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo học sinh và phụ huynh, đó là cuộc thi Rung Chuông Vàng “Chung tay hành động - gìn giữ môi trường xanh” và chương trình trải nghiệm “Câu chuyện tái chế vỏ hộp sữa” tại trường phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng với sự tham gia của đại diện học sinh từ 10 trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp Vì môi truờng Việt Nam (VB4E).
Chương trình do IUCN phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Vinh và CTCP Lagom tổ chức vào ngày 23/11/2022. Mục tiêu chính của chương trình là cung cấp cho học sinh các kiến thức về thu gom, phân loại và tái chế rác thải đặc biệt là rác thải nhựa, vỏ hộp sữa; nâng cao kiến thức bảo tồn thiên nhiên và động vật quý hiếm; giúp học sinh hiểu rõ về quy trình tái chế vỏ hộp sữa từ hoạt động trải nghiệm trực tiếp; khuyến khích học sinh phân loại, thu gom tái chế rác thải đúng cách, lan tỏa tình yêu môi trường.
Theo IUCN, tỷ lệ rác thải nhựa bị thải ra đại dương tại Việt Nam vào năm 2018 khoảng 4,7 kg/người/năm.
Bà Nguyễn Thuỳ Anh, Cán bộ truyền thông IUCN, cho biết, mọi rác thải của ngày hôm nay, nếu không được xử lý đúng cách thì rác sẽ theo dòng nước đổ ra biển. Tại Nghệ An, toàn tỉnh mỗi ngày thải ra khoảng 1.800 tấn chất thải rắn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1.400 tấn được thu gom, chiếm 80%. Nhiều bãi rác và bãi chôn lấp tại tỉnh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm và quá tải nghiêm trọng như bãi Đông Vinh, Diễn Ngọc. Nếu không có sự quản lý tốt về rác thải, lượng rác này sẽ làm ảnh hưởng đến bờ biển và ảnh hưởng đến chính cuộc sống và sinh kế của người dân nơi đây.
“Mỗi chúng ta sẽ chỉ có một số phận cũng như một cuộc đời. Các em học sinh hãy chọn cho mình một cuộc đời có ý nghĩa với môi trường và xã hội. Từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực, các em hãy giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Nếu đã dùng rồi thì hãy cố gắng thu gom, tái chế để rác thải nhựa không bị rò rỉ ra môi trường. Làm như vậy là các em đã có đóng góp rất lớn cho môi trường”, bà Nguyễn Thuỳ Anh nói.
Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng Giáo dục TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đặt câu hỏi với đại diện học sinh của 10 trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh: “Là những chủ nhân tương lai của đất nước, có bao giờ các em băn khoăn về rác thải và việc thải rác bừa bãi ở nhiều nơi như hiện nay? Có bao giờ các em nghĩ những chai lọ, vỏ hộp mà mình dùng xong có thể được tái sử dụng cho một vòng đời mới? Có bao giờ các em quan tâm vì sao trái đất nóng lên? Vì sao có những trận lũ lụt dữ dội? Đó có phải là mẹ thiên nhiên đang nổi giận? Các em có tự đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta? Chúng ta đã làm gì để góp phần bảo vệ môi trường?”.
Theo bà Nguyệt, sân chơi Rung Chuông Vàng đã mang lại cho các em học sinh những kiến thức về môi trường, rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên,... Sau những trải nghiệm như thế này các em sẽ có những suy nghĩ và hành động thiết thực nhất, góp phần giữ gìn môi trường xanh.
“Hành động của các em sẽ bắt đầu từ câu chuyện tái chế vỏ hộp sữa mà hàng ngày các em thường vứt bỏ. Các em sẽ có ý thức bảo vệ môi trường và giảm sử dụng nhựa dùng một lần. Từ đó, chính các em học sinh sẽ hành động để lan toả những thông điệp, tích cực về bảo vệ môi trường và nêu cao trách nhiệm của mỗi người đối với việc giữ gìn hành tinh xanh”, bà Ngô Thị Nguyệt nói.
Chia sẻ sau khi giành ngôi Quán quân của cuộc thi Rung Chuông Vàng, em Nguyễn Minh Quân - học sinh lớp 5A1 Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), cho hay:
“Con đã được học cách tái chế đồ nhựa và thu gom rác thải. Con sẽ cố gắng áp dụng những kiến thức này vào đời thực để có thể giúp cho mẹ trái đất xanh sạch đẹp hơn. Từ bây giờ con cũng có thể hướng dẫn cho các bạn khác bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải để có thể tái chế”.
Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) là sáng kiến do IUCN khởi xướng và được thành lập cùng với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) cùng Tập đoàn TH. |
Tuân Nguyễn