Đề xuất quy định để cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Việc bảo vệ các diện tích rừng chính là bảo vệ sinh kế của hàng triệu con người sống bên trong và xung quanh những khu rừng.
Theo thống kê, cả nước có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng được giao quản lý hơn 2 triệu ha rừng; 216 Ban quản lý rừng phòng hộ được giao hơn 3 triệu ha rừng; 112 công ty lâm nghiệp nhà nước và một số công ty, doanh nghiệp được giao hơn 1.6 triệu ha rừng sản xuất…
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy có 4 hình thức cộng đồng hợp tác quản lý gồm: Quản lý rừng cộng đồng; cộng đồng ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng; cộng đồng tuần tra rừng; đồng quản lý rừng. Mỗi loại hình quản lý này đều có những chính sách, hướng dẫn triển khai; song triển khai trên thực tế phương thức hợp tác quản lý vẫn còn những bất cập, khó khăn cần phải được tháo gỡ từ chính sách.
Trong một hội nghị về hợp tác quản lý rừng Việt Nam, ông Vũ Thanh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết, cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp 2017 quy định Nhà nước không thu tiền sử dụng rừng, áp dụng cho cả ba loại rừng sau khi giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định hiện nay về vấn đề hưởng lợi và đồng quản lý còn mờ nhạt, chưa rõ ràng.
Theo ông Nam, hợp tác quản lý, đồng quản lý được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam. Đây là hình thức hợp tác, liên kết tự nguyện giữa Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp Nhà nước với cộng đồng hoặc giữa các thành viên trong cộng đồng nhằm tạo sinh kế cho người dân, đồng thời vẫn bảo vệ, phục hồi được nguồn tài nguyên thiên nhiên.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, hiện nay đối tượng cộng đồng không được pháp luật thừa nhận là một pháp nhân. Điều này dẫn đến khó khăn khi giải quyết quan hệ dân sự trong quản lý rừng. Cộng đồng không có nhiều cơ hội hay điều kiện tiếp cận các nguồn tài chính cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thêm vào đó, quyền hạn của cộng đồng trong vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Cộng đồng chỉ được giao rừng đặc dụng là các khu rừng tín ngưỡng. Nhiều khu rừng đã được cộng đồng quản lý từ lâu đời nhưng không được giao. Các quy định về hợp tác, liên kết của các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp với cộng đồng rất ít dẫn đến tình trạng ít trú trọng đến hợp tác quản lý rừng với cộng đồng so với các cá nhân, tổ chức khác.
Các quy định về quản lý, sử dụng rừng đặc dụng theo hướng bảo tồn chặt chẽ, hạn chế tối đa tác động vào rừng đặc dụng hoặc sử dụng rừng đặc dụng chưa khuyến khích hợp tác quản lý rừng.
Cụ thể, khoản 3, Điều 54, Luật Lâm nghiệp quy định cộng đồng chỉ được khoán bảo vệ rừng hoặc hợp tác, liên kết với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng khu phục hồi sinh thái. Quy định này không cho phép cộng đồng hợp tác, liên kết trong việc gây trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, kể cả các cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng.
Chính vì thế, PGS. TS. Nguyễn Bá Ngãi đề xuất một số chính sách để thúc đẩy cộng đồng hợp tác quản lý rừng.
Theo ông, cần sửa đổi, bổ sung nội dung về giao đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư vào Luật Đất đai. Bổ sung vào các văn bản dưới luật của Luật Đất đai quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng trồng và tài sản khác gắn liền với đất rừng cho cộng đồng dân cư nói riêng và các chủ rừng khác nói chung.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phép mở rộng quyền sử dụng rừng đặc dụng và một số quy định về hợp tác quản lý rừng đặc dụng. Khuyến khích cộng đồng thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng theo Nghị định 77….
Khôi Nguyên