Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV
Năm 2022, Liên Hợp quốc đã công bố Việt Nam là một trong 42 quốc gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023.
Từ tháng 7 năm 2022, các tổ chức thành viên của đối tác "Không để ai bị bỏ lại phía sau" (Leave No One Behind Partnership – LNOB Vietnam) đã tiến hành thu thập dữ liệu đóng góp và phát triển báo cáo “Dữ liệu từ cộng đồng – Tiếng nói của người dân về tiến trình đạt được của các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” nhằm phản ánh tiếng nói, quan điểm của các nhóm dễ bị tổn thương về mức độ đạt được của một số chỉ tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Linh, Điều phối đối tác LNOB Việt Nam cho biết: “Đây không phải là dữ liệu thay thế cho nguồn dữ liệu chính thức từ nhà nước mà đóng vai trò như một nguồn tham khảo cho các bên liên quan trong tiến trình ra quyết định, chính sách. Nếu dữ liệu nhà nước dựa trên cơ sở khoa học và là bức tranh tổng quan của tiến trình thực hiện các mục tiêu thì dữ liệu từ cộng đồng là các lát cắt của cuộc sống thể hiện mong muốn, quan điểm của người dân một cách chân thật nhất”.
Báo cáo đã xác định 6 phát hiện nổi bật liên quan đến sự tham gia của người dân về tiến trình đạt được của các mục tiêu PTBV ở Việt Nam hiện nay và đến năm 2025 bao gồm:
Các nhóm cộng đồng được khảo sát có xu hướng đánh giá thấp hơn về tiến độ và mức độ đạt được mục tiêu PTBV. Điều này không có nghĩa là mức độ đạt được của Việt Nam thấp hơn, mà là cách nhìn nhận của người dân có sự khác biệt với các dữ liệu chính thức của nhà nước và cần được xem xét dưới góc độ các nguyên nhân khác nhau.
Chênh lệch giữa dự đoán về mức độ đạt được của các mục tiêu PTBV năm 2025 giữa các nhóm cộng đồng khác nhau, giữa các vùng miền, cũng như giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Tất cả các nhóm cộng đồng khảo sát đều có đánh giá ở mức độ trên trung bình đối với tiến độ thực hiện các mục tiêu PTBV.
Khi được hỏi về tình hình 3 năm tới, các nhóm đối tượng đều dự đoán mức tăng nhẹ; nhưng vẫn đủ để giúp Việt Nam đạt mức độ hoàn thành tương đối hoặc hoàn thành phần lớn các mục tiêu PTBV vào năm 2030.
Mục tiêu 1 và 8 được đánh giá có mức cải thiện thấp nhất vào năm 2022 nhưng được dự báo có mức độ cải thiện cao nhất vào năm 2025.
Điều này được lý giải do hậu quả của COVID-19 gây ra suy thoái kinh tế và thất nghiệp trên diện rộng, vì vậy các mục tiêu về xoá đói giảm nghèo, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có xu hướng dự đoán tình hình khả quan hơn.
Mục tiêu 4 được đánh giá với mức độ cải thiện cao nhất vào năm 2022 và cũng được dự đoán có mức độ đạt được cao nhất vào năm 2025.
Qua quá trình thảo luận nhóm, hầu hết các nhóm đều cho rằng mục tiêu PTBV số 4 và 16 là quan trọng nhất - đây cũng là các mục tiêu liên quan mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Các nhóm cộng đồng tham gia đồng ý rằng thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu PTBV là các yếu tố bên ngoài thay vì các vấn đề nội bộ như cơ sở hạ tầng, phong tục tập quán, các hạn chế và lỗ hổng trong chính sách, suy thoái kinh tế hay các vấn đề hậu đại dịch COVID-19.
Những thay đổi lớn về các mục tiêu PTBV
Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã nêu ra ba thay đổi lớn trong thực hiện các mục tiêu PTBV trong giai đoạn vừa qua.
Theo TS. Lê Việt Anh, thay đổi đầu tiên đó là các mục tiêu PTBV đã trở thành định hướng xuyên suốt cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, ngành và địa phương. Các chính sách trên ngành/lĩnh vực đã tích hợp toàn diện các mục tiêu PTBV. Theo đó, đã chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” và đồng thời hướng tới các mục tiêu/cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển đất nước.
Thay đổi thứ hai là theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng năm với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Hướng dẫn giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV cùng với Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam đã tạo cơ sở cho công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV quốc gia, ngành và địa phương.
Và thay đổi nữa chính là thứ hạng thực hiện mục tiêu PTBV mặc dù có những thay đổi do nhóm xếp hạng bổ sung một số chỉ tiêu và thay đổi phương pháp tính, song kết quả mà Việt Nam đạt được là khả quan. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Xét trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có sự thể hiện tương đối ấn tượng, đứng thứ 3/54 quốc gia có thu nhập trung bình thấp (sau Ukraina và Kyrgyzstan) và đứng thứ 12/88 quốc gia có thu nhập trung bình (cả thấp và cao) theo chỉ số xếp hạng năm 2021.
Tuân Nguyễn