Đề nghị ưu tiên phân bổ đủ ngân sách thực hiện các chính sách dân tộc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp |
Đây là đánh giá được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến báo cáo trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2018 và đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi diễn ra tại Quảng Ninh vào ngày 29/9.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trình cho biết: 53 DTTS của Việt Nam, với dân số 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã.
Địa bàn cư trú đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, xa xôi, cách trở, khí hậu khắc nghiệt, là nơi khó khăn nhất của cả nước nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Ngoài ra đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành chính sách riêng, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Sau gần 3 năm tổ chức thực hiện, chính sách đã phát huy hiệu lực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn phiến diện, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công. Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương trong khi ngân sách bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc còn thấp.
Một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS ngày càng khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS và miền núi tuy đã được nâng cao hơn so với trước nhưng so với mặt bằng chung còn thấp và nhiều bất cập. Tỷ lệ số lượng cán bộ DTTS chưa đạt so với yêu cầu...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, đó là: Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung.
Rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6.
Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa. Hoàn thành rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021-2026.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên phân bổ đủ ngân sách thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc phân bổ ngân sách nhà nước ở địa phương sau khi được Quốc hội giao đảm bảo ưu tiên nguồn lực cho vùng DTTS và miền núi nhằm phát triển hài hòa các vùng trong cùng một địa phương. Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện chính sách dân tộc để Chính phủ thực hiện chính sách dân tộc ngày càng có hiệu quả hơn.