Đẻ không đau và lần vượt cạn ác mộng của bà mẹ trẻ
Đẻ không đau là kỹ thuật gây tê được thực hiện để giảm cơn đau do co thắt tử cung trong quá trình thai phụ chuyển dạ.
Kịch bản đẻ không đau
Chị Nguyễn Hải Yến, 31 tuổi, ở Hà Nội kể khi sinh con gái đầu lòng, chị đã tìm hiểu rất kỹ các phương pháp sinh nở. Chị Yến quyết tâm sinh thường và đã lên kế hoạch sẽ sinh con bằng phương pháp đẻ không đau. Chị Yến tưởng tượng việc sinh nở sẽ nhẹ nhàng như ru ngủ, con vẫn được sinh thường, không phải mổ.
Tuy nhiên, khi bước chân vào phòng đẻ, mọi thứ đều không như chị hình dung. Chị Yến kể chị đau dồn dập nhưng bác sĩ vẫn bảo chờ đợi, chưa được tiêm thuốc.
Đến khi đau tưởng chừng không chịu nổi, chị Yến xin tiêm đẻ không đau thì bác sĩ đồng ý, nhưng chị lại không thể rặn đẻ được. Cuối cùng, trải qua cơn đau thập tử nhất sinh, chị Yến vẫn phải sinh mổ.
Sau khi sinh, chị Yến bị đau lưng. Dù đã hơn 1 năm, con chị đã biết đi nhưng lưng của chị lúc nào cũng đau ê ẩm.
Không riêng gì chị Yến, đẻ không đau được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Việc đẻ thường và đẻ không đau được cho là điều lý tưởng nhất khi vượt cạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất cứ phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm.
Đẻ không đau và cơn ác mộng của bà mẹ trẻ |
Gây tê màng cứng là gì?
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung - giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, đẻ không đau - phương pháp gây tê ngoài màng cứng - là kỹ thuật giảm đau hiệu quả nhất và phù hợp nhất cho các bà mẹ.
Đẻ không đau thường được áp dụng trong giai đoạn chuyển dạ, khi cổ tử cung mở để cho thai nhi ra ngoài. Lúc đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê ngoài màng cứng.
Tất cả các phản xạ, cảm giác của cơ thể đều được dẫn truyền qua dây thần kinh vào tủy sống rồi đưa lên não bộ. Tủy sống được bảo vệ bởi các màng. Màng cứng cứng hơn màng khác, được bao bọc bên ngoài tủy sống, bên trong là dịch não tủy.
Đẻ không đau nghĩa là bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng của sản phụ. Ưu điểm của cách làm này là kiểm soát cơn đau đẻ, giúp sản phụ mất đi cảm giác đau nhưng họ vẫn có cơn co tử cung và rặn để đẩy em bé ra ngoài.
Việc gây tê ngoài màng cứng cũng không ảnh hưởng tới em bé, không làm chậm quá trình vượt cạn của người phụ nữ.
Tuy nhiên, viêc gây tê màng cứng cũng có thể gây tai biến nếu sản phụ bị rối loạn đông máu, sử dụng thuốc kháng đông, khi đâm kim có thể gây xuất huyết...
Ngoài ra, nếu sản phụ nào có huyết áp thấp thì việc gây tê màng cứng có thể dẫn đến tụt huyết áp.
Sau khi áp dụng phương pháp này, một số người có tình trạng đau đầu, đau vùng tiêm, tuy nhiên, bác sĩ Trung cho biết sau một thời gian, các triệu chứng này sẽ giảm.
Khánh Chi
Vì sao nên lập gia đình trước tuổi 30, sớm sinh con?
Mới đây, Chính phủ đưa ra quyết định số 588, khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn trước tuổi 30, sớm sinh con; phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.