Để giáo viên tươi vui "trên sóng" dạy online
Ngoài tập huấn sử dụng phần mềm dạy online, các trường ở TP Đà Nẵng đã tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, phân chia thời khóa biểu phù hợp, thiết kế sổ đầu bài trực tuyến
Làm quen để thích nghi
Gần 2 tháng hè 2021, bắt đầu từ lớp học ôn tập miễn phí của thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), một số giáo viên đã hưởng ứng tổ chức dạy – học trực tuyến cho HS trong hè. Với lịch học 3 buổi/tuần, các giáo viên thỏa sức áp dụng những phương pháp tổ chức lớp học trong môi trường dạy học mới.
Những tìm tòi, thử nghiệm trong thiết kế các trò chơi, bài tập vận dụng dưới dạng mô phỏng thực tế thông qua hình họa, biểu đồ, sơ đồ... đã được đưa vào tiết dạy để tạo nên những buổi học sôi động, cuốn hút học sinh.
Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Đây là thời gian các giáo viên nhà trường chạy đà để làm quen với dạy học trực tuyến, từ việc soạn giảng, tâm lý dạy học, cách điều chỉnh các bước dạy học, cách tương tác với HS trên không gian mạng...
Những kinh nghiệm của các giáo viên đứng lớp trong hè đều được chia sẻ với tổ chuyên môn. Chính vì vậy, các thầy cô, nhà trường đều thích ứng nhanh với việc dạy học trực tuyến và gần như không có trục trặc gì đáng kể”.
Để có thể dạy – học trực tuyến trong một thời gian dài, nhiều giáo viên đã đầu tư mua bảng điện tử để rút ngắn khoảng cách không gian lớp học. Thầy Đầu Thanh Phong – giáo viên môn Toán, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết:
“Nhiều GV chọn giải pháp trình chiều bài dạy bằng powerpoint để dạy học trực tuyến và chia sẻ màn hình cho học trò theo dõi. Tuy nhiên, với môn Toán, nhất là các bài toán khó, các em khó nắm bắt hết được. Nếu có bảng điện tử, giáo viên có thể viết thông qua màn hình máy tính, chỗ nào học sinh chưa hiểu, giáo viên có thể xóa đi rồi viết, vẽ lại".
Với việc thao tác trên bảng điện tử, cả giáo viên và học sinh đều có cảm giác được tương tác như đang ở lớp học trực tiếp.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà (giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: "Đà Nẵng đã có 3 tuần dạy học trực tuyến. Học sinh bậc THCS đã quen với học online. Chỉ có các em lớp 6 là ít nhiều có sự bỡ ngỡ ở thời gian đầu.
Vì vậy, ở trường chúng tôi, BGH, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn dành nhiều thời gian hướng dẫn các em làm quen với phương pháp học bộ môn và cách học trực tuyến nên đã bắt đầu có sự ổn định. Điều mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đều rất cần khi dạy học online là chất lượng mạng ổn định để các em học được tập trung”.
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) hiện đã có bộ quy tắc ứng xử trên mạng, nội quy lớp học trực tuyến, quy chế làm việc trực tuyến,… Nhà trường xây dựng sổ đầu bài trực tuyến nhúng vào ngay trên MsT, giáo viên được cấp quyền truy cập để phê sổ, học sinh được truy cập để thấy lời phê và điểm.
Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc phê sổ đầu bài trực tuyến được lưu lại vết người chỉnh sửa, cuối tuần được khoá lại và có thể in ra, giáo viên ký sau làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ nhà trường”. Trường THCS Nguyễn Huệ cũng có sổ đầu bài trực tuyến.
Chia sẻ, hỗ trợ
Cô giáo Phan Hoàng Oanh (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu) cho biết: “Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải soạn bài kết hợp với những hình ảnh sinh động, bắt mắt để thu hút sự chú ý của học sinh qua màn hình. Đồng thời cũng lồng ghép những trò chơi học tập để học sinh hứng thú, tăng cường sự tương tác trong hơn trong giờ học. Áp lực đối với giáo viên vì vậy cũng nhiều hơn”.
Trong xây dựng thời khóa biểu, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã tạo điều kiện để hầu hết giáo viên đều chỉ phải dạy trực tuyến gọn trong 1 buổi. Buổi còn lại dành thời gian cho việc soạn, thiết kế bài giảng. Nhà trường, thường xuyên cập nhật các kho học liệu, các phần mềm mới. Những câu chuyện liên quan đến các tình huống ứng xử trong dạy học trực tuyến cũng được chuyển đến để các thầy cô đọc và rút kinh nghiệm.
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) đặc biệt chú ý đến tâm lý của giáo viên trong thời gian dạy học trực tuyến. Chỉ dịch bệnh và thực hiện giãn cách triệt để với chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy” không thôi đã khủng hoảng tinh thần rồi. Thêm vào đó, việc dạy học trong một không gian hoàn toàn khác với không gian truyền thống trước đây cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của giáo viên.
Cô Nguyễn Thị An – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng ta đang tìm mọi cách hỗ trợ phương tiện học trực tuyến cho học sinh khó khăn nhưng chính bản thân giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong dạy học. Họ cũng có con đang phải học trực tuyến trong khi quá trình dạy học trực tuyến của bản thân họ cần nhiều hơn một máy tính xách tay như sự hỗ trợ của điện thoại, bảng điện tử... Có nhiều giáo viên gặp những khó khăn trong đời sống riêng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh như vợ hoặc chồng bị mất việc làm...”.
Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng vì vậy luôn nhắn với các giáo viên, nếu có khó khăn gì, cả về chuyên môn lẫn điều kiện kinh tế thì có thể trao đổi riêng để nhà trường tìm cách hỗ trợ. Đã có 6 giáo viên nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, với mức 4 triệu/người để giải quyết một số vấn đề khó khăn trước mắt. Trường cũng thành lập một tổ hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, sửa những trục trặc máy tính...
Với một số giáo viên thường có yêu cầu cao với học sinh, Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã có sự trao đổi riêng như có thể chia nhỏ các câu hỏi để học sinh dễ trả lời, thực hiện đúng giảm tải chương trình... để tránh cho giáo viên và cả học sinh bị ức chế tâm lý.
Cô Nguyễn Thị An
Theo giaoducthoidai.vn