Đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới Nghệ An: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Làm đường giao thông vào bản tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An. |
Cả “núi” công việc phải làm
Đề án được thực hiện trên địa bàn của 27 xã khu vực biên giới Nghệ An, với diện tích tự nhiên 472.236,1 ha thuộc 6 huyện, cụ thể: huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (4 xã); huyện Con Cuông (2 xã); huyện Quế Phong (4 xã); huyện Anh Sơn (1 xã); huyện Thanh Chương (5 xã). Đây là các địa phương nằm trong vùng phê duyệt đề án sẽ được thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi kết hợp với huy động nội lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2018 - 2020.
Mục tiêu mà Chính phủ hướng đến khi thực hiện đề án này là để xây dựng các xã biên giới có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn NTM; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Nội dung đầu tư của Đề án bao gồm các nhóm tiêu chí Hạ tầng kinh tế - xã hội; nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất; nhóm tiêu chí về Văn hóa - xã hội và Môi trường; nhóm tiêu chí về Hệ thống chính trị.
Đến năm 2020, các xã đạt tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 thì bình quân mỗi xã đạt 11,4 tiêu chí (không còn xã dưới 8 tiêu chí), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30 - 32% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Đặc biệt, 100% các xã có đường giao thông trục xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đảm bảo theo quy định; 50% số xã có trục đường thôn được cứng hóa; 100% xã đạt tiêu chuẩn về thông tin và tuyên truyền; 100% xã đạt tiêu chí về điện... Tính đến hết 2020 sẽ có 32% xã đạt tiêu chí thu nhập; 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; 70% xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất...
Tuy nhiên, đa phần các xã miền núi điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp... là những hạn chế, bất cập lớn tại các huyện miền núi xứ Nghệ. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM các xã biên giới ở Nghệ An theo chỉ đạo của Chính phủ là cả một khối lượng lớn công việc cần phải hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Nghệ An cho rằng: Đây là đề án phê duyệt riêng cho tỉnh nên sẽ nhận được sự hỗ trợ riêng, tối đa của chính phủ. Do đặc thù địa bàn rộng, hạ tầng bất cập, điều kiện sống người dân còn khó khăn... nên để thực hiện thành công đề án thì có quá nhiều việc cần phải làm.
Để giải quyết khó khăn lớn nhất về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Nghệ An và các địa phương có liên quan cần rà soát, tổng hợp khối lượng, khái toán vốn, xây dựng các dự án cụ thể trong vùng 27 xã để triển khai các dự án thành phần.
Ngoài ra, để huy động đủ vốn, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương có thể huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đóng góp của nhân dân... Bên cạnh đó, cần lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phải tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất, các địa phương phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, vận động nhân nhân tích cực tham gia cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Mô hình kinh tế chè ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. |
Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác
Nhìn một cách tổng thể, thực hiện Quyết định 61 ngày 12/1/2018 phê duyệt Đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới Nghệ An là phải làm sao để nâng cao mức sống cho người dân. Kết cấu hạ tầng, văn hóa - xã hội và môi trường, hệ thống chính trị là những nhóm tiêu chí quan trọng nhưng để nâng cao đời sống cho người dân thì nhóm tiêu chí then chốt, quyết định nhất chính là nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất.
Một loạt các giải pháp, biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ đã được Chính phủ vạch ra theo đề án. Đó là chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng HTX kiểu mới, củng cố và phát triển các làng nghề theo lợi thế của từng địa phương gắn với nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời tăng cường hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp; phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất nông nghiệp, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đáng chú ý, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuổi giá trị sản phẩm.
Xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh riêng của từng vùng như sản xuất rau an toàn, vùng hoa, cây cảnh, nhà vườn, vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả đặc sản, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An lý giải: Việc đưa nội dung phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết... là muốn các địa phương nơi đây phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Ở các địa phương này chưa thành lập được HTX, yếu liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên chính quyền các cấp cần phải hỗ trợ người dân triển khai các mô hình, lồng ghép các chương trình để hỗ trợ phát triển sản xuất.
“Phải có đơn vị trung gian là HTX để liên kết theo chuỗi thì mới sản xuất hàng hóa có hiệu quả. Tuy nhiên, người dân chưa quen với mô hình tổ hợp tác, HTX nên cần phải gắn chỉ đạo với tuyên truyền vận động; phải nói cho người dân rõ không thể sản xuất riêng lẻ mà cần có sự liên kết trong sản xuất thì mới có sản phẩm hàng hóa”, ông Lập phân tích thêm.