Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Ban chủ nhiệm các Chương trình KHCN của 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, đại diện các bộ, ngành trung ương.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi lễ |
Chương trình Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt nhằm đưa KHCN hỗ trợ, giúp tháo gỡ các rảo cản, thúc đẩy việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ba chương trình KHCN trên có những điểm chung về mục tiêu và nội dung nên cần có sự phối hợp triển khai thực hiện để phát huy hiệu quả nguồn lực của các chương trình, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững nói chung và xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Lễ ký kết nhằm mục đích lồng ghép thực hiện các Chương trình KHCN trong giai đoạn 2016-2020, phát huy có hiệu quả nguồn lực của các Chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đây là bước khởi đầu quan trọng để các Chương trình xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, phối hợp thực hiện các đề tài, dự án, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, nhằm tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ có tính liên ngành, liên vùng phục vụ có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới cho các vùng.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến phối hợp giữa Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới với các Chương trình khoa học công nghệ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Những kết quả nghiên cứu khoa học của 3 chương trình trong những năm qua là rất đáng biểu dương ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của các vùng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước yêu cầu phát triển bền vững các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các chương trình KH&CN cần có sự phối hợp, lồng ghép nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực và đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp công nghệ thiết thực, hiệu quả phục vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các vùng.
Để triển khai các hoạt động ký kết có hiệu quả và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu các chương trình KHCN cần thiết lập khung và phương thức phối hợp giữa các Chương trình KHCN trong tổ chức đề xuất, xét duyệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đảm bảo các yêu cầu minh bạch, đồng bộ, thiết thực, chặt chẽ cho giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2030. Đồng thời cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế tổ chức, quản lý hoạt động của các Chương trình, có kế hoạch cụ thể để triển khai khung phối hợp giữa các chương trình với những nội dung cần ưu tiên cho từng vùng, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng tạo ra những cơ chế, chính sách, nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn ở các vùng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt đến các chương trình khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho các chương trình triển khai có chất lượng tốt nhất, phục vụ phát triển kinh tế 3 vùng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong phạm vi cả nước giai đoạn 2011-2020 và phát triển bền vững các vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là chủ trương, đường lối và quyết tâm chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện thành công các chương trình đó rất cần sự vào cuộc của khoa học và công nghệ, nhằm xây dựng các cơ sở lý luận và thực tiễn, đề ra các giải pháp về cơ chế, chính sách và KHCN, xây dựng các mô hình thí điểm có hiệu quả phục vụ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các vùng trọng điểm trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng hội nhập quốc tế.