Đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới phía nam
Tuyên truyền phòng chống mua bán người cho phụ nữ vùng biên giới. Ảnh: Tuyên giáo An Giang |
Thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) có đường biên giới dài khoảng 6,2 km, tiếp giáp với xã Kaomsano, huyện Lecdec, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia), có địa hình rất thuận lợi cho người dân hai bên biên giới qua lại làm ăn, giao thương hàng hóa,… cả tuyến giao thông đường bộ, lẫn đường thủy. Lợi dụng điều kiện này, thời gian qua, các loại tội phạm trên khu vực biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương hoạt động khá phức tạp, đặc biệt là tội phạm mua, bán người, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Nhằm đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nắm và hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung, đối tượng mua bán người nói riêng để nâng cao cảnh giác, kiên quyết tấn công tội phạm.
Ngoài việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, còn phân công cán bộ, chiến sĩ luôn bám sát nắm bắt tình hình địa bàn biên giới; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để Nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ và tích cực đấu tranh tố giác tội phạm.
Tính từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền đã tiếp nhận 3 đợt với 12 nạn nhân; 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhận và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Ngoài 3 đợt tiếp nhận phụ nữ bị bán qua Campuchia, đơn vị cũng đã tiếp nhận những đối tượng là người Việt Nam sang Campuchia làm ăn sinh sống không có giấy tờ.
Với thực trạng là địa bàn biên giới, phần đông người dân ven biên sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê và mua bán nhỏ,… Do đó các đối tượng thường lợi dụng tình trạng này để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng mà bọn chúng thường ngắm tới là phụ nữ vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, những cô gái lười lao động, những người nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, thông qua mối quan hệ quen biết hoặc các trang mạng xã hội để xin số điện thoại, tiếp cận tán tỉnh, dụ dỗ nạn nhân mua bán sang biên giới.
Xác định được thực trạng trên, trong những năm qua Hội Phụ nữ 2 xã biên giới Vĩnh Xương và Phú Lộc luôn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng và Công an xã tuyên truyền phòng chống mua bán người. Ngoài công tác tuyên truyền miệng, Hội Phụ nữ 2 xã biên giới còn tổ chức các buổi truyền thông bằng hình thức “Sân khấu hóa”. Với nội dung phản ánh các phương thức, thủ đoạn phạm tội; các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, nhận biết đối tượng mua bán người qua biên giới; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, tích cực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời đối với các nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Các hoạt động tuần tra, kiểm soát phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới và nội địa cũng được công an 2 xã biên giới Vĩnh Xương và Phú Lộc duy trì phối hợp thực hiện, nhất là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để bọn tội phạm lợi dung sơ hở hoạt động tội phạm. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, Đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác khảo sát nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, những đối tượng có tiền án, tiền sự để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn; chú trọng khu vực biên giới, địa bàn trọng điểm, các cơ sở kinh doanh như: phòng trọ, nhà nghỉ, phòng mát xa, karaokê,... Phát động mạnh mẽ các phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và răn đe phòng ngừa tội phạm.
UBND thị xã Tân Châu đã ban hành Kế hoạch số 600/KH-UBND, ngày 6/7/2016, về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn thị xã giai đoạn 2016-2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2017, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% số xã, phường nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.
Đến năm 2020, các xã, phường thuộc địa bàn trọng điểm có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và các xã, phường còn lại có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người; 100% các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý và những trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo luật định; 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.