Đầu rồng của cầu Rồng thấp quá chăng?
![]() |
Bình minh trên công trường thi công cầu Rồng - Ảnh: HC |
Trong những ngày này, công trình xây dựng cầu Rồng với thiết kế kiến trúc độc đáo mà điểm nhấn là hình tượng rồng uốn lượn trên sông Hàn đang trở thành điểm thu hút nhiều nhất sự quan tâm của người dân Đà Nẵng và du khách đến TP này.
Hiện nỗi lo công trình có kịp thành thành vào ngày 29/3 nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng hay không đã cơ bản được giải toả bằng vào tiến độ thực tế trên công trường cũng như việc lãnh đạo TP chính thức quyết định tổ chức lễ khánh thành 2 công trình cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đúng hẹn đã đề ra. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn: Liệu đầu rồng của cầu Rồng có được đặt thấp quá chăng?
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả thiết kế đầu rồng cho biết, để có được công trình kiến trúc ấn tượng, độc đáo này là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong thiết kế, thi công; đặc biệt là với thiết kế đầu rồng. Từ thiết kế kiến trúc có sẵn để thiết kế mỹ thuật đầu rồng là rất khó vì phải tuân thủ theo các tiêu chí quy định. Trải qua hơn 200 ngày với hơn 10 mẫu thiết kế, cuối cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng mới chấp thuận thiết kế đầu rồng lấy cảm hứng từ rồng thời Lý.
![]() |
Công trình xây dựng cầu Rồng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách đến Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Ngược lại, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nêu rõ, từ thiết kế mỹ thuật chuyển đổi thành thiết kế kỹ thuật phục vụ thi công cũng là cả một vấn đề. Điểm đặc biệt khi chuyển đổi từ thiết kế mỹ thuật sang thiết kế kỹ thuật là phải biến một hình tượng rồng từ chỗ không có thực và "ai nói cũng được" như lời của nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thành một con rồng cụ thể, hơn thế nữa lại là rồng thép, rồng của thế kỷ 21!
Với quy mô cao khoảng 10m, dài 15m, nặng hơn 40 tấn (nếu tính cả khối lượng của hệ liên kết thì tổng khối lượng đầu rồng lên hơn 60 tấn) và diện tích chắn gió lên đến 150m2, việc gia công, lắp đặt đòi hỏi phải có phương án thực hiện phù hợp. Phải sau một tháng rưỡi gia công và hơn nửa tháng thi công, đầu rồng đảm bảo tiêu chí kỹ thuật theo thiết kế của Louis Berger (Mỹ) mới được lắp đặt xong ở độ cao hơn 10m so với mặt cầu.
Là tác giả thiết kế đầu rồng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bày tỏ, trong thâm tâm của ông cũng như nhiều người khác đều mong muốn đầu rồng được nâng lên vị trí cao hơn nữa so với hiện tại để tạo thêm ấn tượng, tỏ rõ thêm sự oai dũng. Nhưng đó là mong muốn mang tính cảm quan của cá nhân, còn về vấn đề kỹ thuật thì lại hoàn toàn không được phép.
![]() |
Theo nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả thiết kế đầu rồng, muốn thưởng thức hết vẻ đẹp của đầu rồng, muốn xác thực đầu rồng cao hay thấp thì phải quan sát cận cảnh - Ảnh: HC |
"Ngay từ khi thiết kế, Công ty tư vấn nổi tiếng thế giới Louis Berger (Mỹ) đã xác định tiêu chuẩn kỹ thuật là đầu rồng không được nặng quá 45 tấn và đặt ở độ cao không quá 10m. Do vậy, khi chúng tôi cố gắng nâng đầu rồng lên độ cao 12m thì họ đã bay sang, yêu cầu thử tải đảm bảo an toàn mới cho lắp đặt" - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nói.
Theo ông, với độ cong của thân rồng như mọi người đã thấy trên sông Hàn, nếu đầu rồng nặng hơn hoặc được nâng lên cao hơn nữa sẽ không đảm bảo khả năng chịu tải của vòm thép. Khi đó hàng chục tấn sắt sẽ "treo lơ lửng" một cách rất không an toàn ngay trên đầu khách qua cầu. Chưa kể, Đà Nẵng nằm trong vùng thường xuyên phải chịu gió bão lớn, trong khi diện tích chắn gió của đầu rồng lên đến 150m2 nên nếu không thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật thì nguy cơ đổ sập đầu rồng là rất lớn.
Lâu nay, những mô phỏng về hình tượng rồng chủ yếu là làm nổi bật đầu rồng, còn thân rồng thì uốn lượn trong mây và không quá dài. Do vậy mà rất dễ nhận ra sự oai dũng của rồng. Trong khi đó, hình tượng rồng trên cầu Rồng vắt ngang qua sông Hàn lại trải trên một chiều dài lên đến gần 700m.
"Muốn chiêm ngưỡng toàn cảnh hoành tráng của cầu Rồng phải đứng từ rất xa nên rõ ràng là không thể nhận thấy hết sự oai dũng của đầu rồng. Còn muốn thưởng thức hết vẻ đẹp của đầu rồng, muốn xác thực đầu rồng cao hay thấp thì ta phải quan sát cận cảnh. Đó là "cách" mà cầu Rồng tạo ra sức hút riêng cho mình và cũng là cách để chúng ta có thể khám phá được hết cây cầu độc đáo này!" - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bày tỏ.