Đau ngực dữ dội, người đàn ông nhanh chóng rơi vào hôn mê, suýt chết vì nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim thường liên quan tới các bệnh mạn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường, nhưng hiện tại nhồi máu cơ tim đang là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở người trẻ không bị bệnh mãn tính.
Đang đưa đón học sinh, nam lái xe bị nhồi máu cơ tim
Theo thông tin từ BV E trung ương, bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân là nam lái xe đưa đón học sinh bị nhồi máu cơ tim khi đang chở học sinh đến trường.
Trường hợp của anh N.K.L, (41 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) vừa điều trị thành công sau cơn nhồi máu cơ tim cấp. Anh L. cho biết khi đang chuẩn bị đưa con đi học, anh đột nhiên thấy buồn nôn, ít phút sau ngực đau dữ dội. Ngay lập tức, gia đình đưa anh vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tim.
Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân liên tục được ép tim, cấp cứu tích cực. 45 phút sau, tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại song còn rất yếu, và suy thận, suy tuần hoàn.
Sau đó Bệnh viện Thanh Nhàn đã xin hỗ trợ từ BV Tim Hà Nội. TS Hoàng Văn, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng một ekip được điều sang hỗ trợ cấp cứu ngừng tuần toàn, 30 phút sau, bệnh nhân dần hồi tỉnh.
Tuy nhiên, bác sĩ nhận định bệnh nhân còn rất nặng, nguy cơ mất não và tử vong rất cao do ngừng tuần hoàn kéo dài, vì vậy sau hội chẩn các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp tục điều trị.
Ảnh minh họa. |
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân được dùng thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, hạ thân nhiệt chỉ huy xuống còn 35 độ trong 48 giờ để bảo vệ não tránh rơi vào trạng thái sống thực vật, đặt stent, đặt bóng đối xung động mạch chủ để hỗ trợ tạm thời tình trạng rối loạn và suy sụp tuần hoàn cho đến khi cơ tim hồi phục kết hợp lọc máu. Bệnh nhân được theo dõi chặt từng giờ, may mắn hồi phục tốt.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nhồi máu cơ tim hiện nay đang là nguyên nhân gây đột tử hàng đầu. Điều đáng lưu ý là rất nhiều bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã bị nhồi máu cơ tim mà trước đó hoàn toàn không biết bệnh của mình.
Bác sĩ Nam cho biết, thông thường đối với người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim là do sự tích tụ các yếu tố nguy cơ trong cuộc sống tạo thành các mảng xơ vữa động mạch.
Ở người trẻ, phần lớn nguyên nhân nhồi máu cơ tim là do hẹp động mạch vành. Khi mạch vành bị tắc sẽ làm ngưng trệ dòng máu đến nuôi dưỡng cơ tim. Tim không được cung cấp máu sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng người bệnh.
Những người có các yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh lý tim mạch xơ vữa như: lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, rối loạn về tâm thần kinh như trầm cảm, lo âu... Có các bệnh lý rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ. Những người trong gia đình có người thân mắc các bệnh lý tim mạch di truyền, có người đột tử dưới 55 tuổi thì có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim:
Tức ngực hoặc đau ngực: Phần lớn cơn đau tim sẽ khiến bạn thấy khó chịu ở giữa xương ức, có thể kéo dài hơn vài phút hoặc biến mất và sau đó quay lại. Bạn sẽ cảm giác như tim đang bị siết chặt, bóp nghẹt hoặc có vật nặng đè lên.
Khó chịu ở nửa trên thân người: Bạn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở một hoặc hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày.
Khó thở: Tình trạng khó thở có thể kèm theo đau ngực hoặc không.
Một số triệu chứng khác: Ngoài ra bạn có thể thấy lạnh toát mồ hôi, buồn nôn hoặc đau đầu nhẹ.
Để phòng bệnh nhồi máu cơ tim, PGS Nam khuyến cáo cần bỏ những thói quen sinh hoạt xấu như lối sống tĩnh tại, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá để phòng bệnh. Ngoài ra, một số người cũng có bệnh lý tiềm ẩn không phát hiện được nếu không có thói quen tầm soát sức khỏe như rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, tiền đái tháo đường. Vì vậy, người dân nên có thói quen tốt, thường xuyên kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Bệnh lý nhồi máu cơ tim xảy ra độ ngột, trong thời gian rất ngắn với biểu hiện là đau nặng ngực, thắt ngực, khó thở… nên cách sơ cứu tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sơ y tế gần nhất.
Khánh Chi