Đau lòng DN địa ốc ăn lợi nhuận tăng nhưng cổ phiếu vẫn... đổ đèo!
Cổ phiếu tăng phi mã nhờ tin đồn?
Đối với các doanh nghiệp niêm yết, kết quả kinh doanh tốt được xem là “liều thuốc kích thích” cho giá cổ phiếu trên sàn. Kết quả kinh doanh khả quan cũng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư.
Vậy nhưng mùa báo cáo tài chính quý 3/2017 đang khép lại với những diễn biến khó lường, thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp nào có sự tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh thì giá cổ phiếu sẽ đi lên. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, QCG chỉ đạt doanh thu thuần gần 118 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Dù vậy lợi nhuận gộp của QCG trong quý cải thiện đáng kể, đạt 12,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty của Cường “Đô la” lỗ hơn 21 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhờ thanh lý các khoản đầu tư nên trong quý 3, QCG ghi nhận mức doanh thu tài chính đột biến 201 tỷ đồng. Kết thúc quý 3, QCG đạt lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng, tăng đáng kể so với số lỗ 5,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Báo lãi lớn nhưng trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của công ty Cường "Đô la" vẫn lao dốc. |
Trên thị trường chứng khoán, QCG được xem là mã cổ phiếu “điên rồ” nhất trong thời gian qua. Từ nguy cơ trở thành giấy lộn, QCG leo một mạch từ 5.000 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP, mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua, chỉ từ tháng 4 – 6/2017.
Thông tin “đẩy” giá cổ phiếu QCG thời điểm đó là doanh nghiệp này nhận tạm ứng 50 triệu USD từ đối tác và đang đàm phán để chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo QCG khẳng định chưa chuyển nhượng dự án Phước Kiển đã khiến cho cổ phiếu QCG lao dốc không phanh.
Kết quả kinh doanh khả quan quý 3/2017 của QCG tưởng như sẽ giúp chặn đà suy giảm, vực dậy cổ phiếu nhưng thực tế trong tháng 10 mã này liên tục đổ đèo, từ mức 17.000 đồng/CP xuống còn 12.650 đồng/CP. Thậm chí đầu tháng 11 này, có thời điểm cổ phiếu QCG rơi xuống mức 11.800 đồng/CP.
Lãi lớn, cổ phiếu vẫn giảm sàn
Nằm trong số doanh nghiệp địa ốc báo lãi lớn nhưng giá cổ phiếu lại đi xuống còn có Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House, HOSE: TDH). Theo kết quả hoạt động kinh doanh riêng quý 3/2017, doanh thu thuần Thủ Đức House ước đạt 595 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế đạt 28,5 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, Thủ Đức House đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 1.120 và 100 tỷ đồng, tăng 107% và 80,5% so với cùng kỳ.
Kinh doanh khởi sắc nhưng cổ phiếu TDH lại đang cho thấy sức ì. Giữa tháng 7/2017, sau thông tin bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt gần 1,5 tỷ đồng về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ phiếu TDH có chiều hướng đi xuống. Từ đó đến nay, có thời điểm TDH leo lên mức 16.350 đồng/CP nhưng giai đoạn đầu tháng 11 này chỉ còn giao dịch quanh mức 13.500 đồng/CP.
Báo lãi đột biến nhất trong quý này có thể kể tới là Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (HOSE: DXG). Quý 3/2017, DXG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 398 tỷ đồng, tăng gấp 47 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của DXG đạt 669 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 95% kế hoạch năm.
Trong khi đó, cổ phiếu DXG dường như lại thờ ơ trước kết quả lãi lớn của công ty. Cụ thể, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào giữa tháng 10/2017, giá cổ phiếu DXG bắt đầu đỏ sàn, từ 20.600 đồng/CP xuống mức 17.250 đồng/CP, thậm chí đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11 chỉ còn 16.500 đồng/CP.
Một chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nghịch lý doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhưng cổ phiếu trên sàn lại tụt dốc là chuyện không mới.
Nó cho thấy tâm lý không vững vàng của nhà đầu tư, họ thường quyết định mua – bán theo phong trào, theo số đông, hay thậm chí nghe theo những thông tin vô căn cứ. Theo chuyên gia này, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết nên chú trọng hơn nữa khâu công bố thông tin.